Bạn nhà nông
PHÁT HIỆN VÀ PHÒNG TRỪ BỆNH SỌC LÁ HẠI BẮP
20/08/2014
Hiện nay, nhiệt độ và ẩm độ cao là điều kiện rất thích hợp cho bệnh sọc lá phát triển và gây hại nặng cho cây bắp, làm cho cây bắp sinh trưởng kém, không cho bắp hoặc bắp không hạt, gây thiệt hại nặng nề cho người dân trồng bắp.
Một trong những nguyên nhân gây bệnh nghiêm trọng là nông dân chưa nhận diện được bệnh và dùng thuốc chưa đúng.
Để phòng trừ bệnh có hiệu quả, bà con cần chú ý những điểm sau:
1. Tác nhân gây bệnh: Bệnh sọc lá do nấm Peronosclerrospara sorghi gây ra. Nấm bệnh tồn tại vài năm trong đất, gặp điều kiện thích hợp là ẩm độ và nhiệt độ cao (24-35 độ C) chúng nảy mầm và xâm nhập vào những phần nằm dưới mặt đất của cây con. Nhiệt độ thấp nấm bệnh không phát triển.
Nấm bệnh trên lá cây bệnh sẽ phát tán đi theo gió. Các bào tử nấm phát tán đi từ ruộng này sang ruộng khác, từ vùng này sang vùng khác. Bệnh thường gây hại nặng vào các tháng 4-6.
2. Nhận diện bệnh:
- Lá có sọc vàng hoặc trắng dọc theo phiến lá từ gốc lá ra chóp lá.
- Lá hẹp hơn bình thường, đứng, có thể bị rách.
- Những sợi tơ nấm màu trắng phát triển ở cả hai mặt của phiến lá.
- Cây bệnh bị vàng đi, sinh trưởng kém, không cho trái hoặc trái không hạt.
- Triệu chứng có thể thay đổi tùy theo giống.
3. Một số biện pháp phòng trừ:
- Vệ sinh đồng ruộng trước khi gieo trồng.
- Gieo trồng đồng loạt.
- Không chọn giống từ những cây nhiễm bệnh.
- Nên trộn bổ sung thuốc Ridomil liều lượng 15 gram/kg hạt giống một ngày trước khi gieo.
- Không trồng liên tục nhiều vụ, luân canh với cây khác nhất là lúa.
- Bón phân NPK, không bón nhiều phân đạm.
- Những vùng áp lực bệnh nặng nên xịt thuốc Ridomil khi cây con mọc 7-10 ngày sau khi gieo. Khi cây được 20-25 ngày phun kỹ, đều 2 mặt lá, nên kiểm tra lại nếu còn triệu chứng bệnh thì xịt thêm thuốc Ridomil xử lý lần 2 sau đó 5 ngày với liều lượng khuyến cáo trên bao bì.
- Sau khi thu hoạch nên cày phơi đất và rải vôi 500 kg/ha ít nhất 15 ngày trước khi gieo trồng vụ sau.
Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam