Ấn phẩm doanh nghiệp
Vinarice và 'mối tình' với nông dân Tháp Mười
20/08/2022
Nông dân ở Tháp Mười (Đồng Tháp) đã hợp tác với Vinarice gần 15 năm, cùng nhau chia ngọt sẻ bùi nên ngày càng tin tưởng gắn bó hơn trong sản xuất lúa giống.
Đồng Tháp là một trong những địa phương có diện tích sản xuất lúa lớn tại ĐBSCL. Nhằm mục tiêu thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, thời gian qua, Đồng Tháp luôn quan tâm kêu gọi đầu tư liên kết sản xuất, nhất là sản xuất lúa theo chuỗi giá trị.
Đến nay, tỉnh Đồng Tháp đã thu hút được nhiều doanh nghiệp tiêu biểu trong ngành hàng lúa gạo đến đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng cao, có liên kết sản xuất. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp sản xuất lúa giống chuyên nghiệp.
Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp (thứ 2 từ trái sang) tham quan cánh đồng liên kết sản xuất giống Đài Thơm 8 thế hệ mới của Công ty Vinarice với bà con nông dân huyện Tháp Mười. Ảnh: Minh Đảm.
Vụ hè thu 2022, nông dân Đồng Tháp đã xuống giống gần 181.000ha. Trong đó, vùng sản xuất lúa gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ đạt khoảng 26.000ha. Nhờ đó, lợi nhuận đạt hơn thông thường từ 3 - 8 triệu đồng/ha.
Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam – Vinarice (trụ sở tại xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) là một trong những doanh nghiệp tiêu biểu trong chuỗi liên kết sản xuất lúa tại địa phương. Hiện Công ty đang từng bước thực hiện kế hoạch năm 2022, xây dựng vùng liên kết sản xuất lúa giống chất lượng cao khoảng 6.000ha, trong đó tập trung tại huyện Tháp Mười khoảng 2.000ha.
Ông Trịnh Văn Hiển (ở ấp 4, xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười), một nông dân trong chuỗi liên kết của Công ty Vinarice, sản xuất lúa giống cấp xác nhận đã 5 năm nay. Vụ hè thu 2022, ông tiếp tục gắn bó với Vinarice sản xuất giống lúa Đài Thơm 8 thế hệ mới trên diện tích 3,5ha.
Ông Hiển cho biết, giá lúa được Vinarice bao tiêu cao hơn thị trường 1.000 đồng/kg nên rất phấn khởi. “Những năm qua, giá lúa Công ty bao tiêu lúc nào cũng cao hơn hơn thị trường rất nhiều nên lợi nhuận thường cao hơn nhiều so với lúa thông thường. Vụ này, dự kiến năng suất đạt gần 8 tấn/ha. Với giá bao tiêu như trên, lợi nhuận chắc cao hơn thông thường 8 triệu đồng/ha”.
Theo ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, trước đây, lĩnh vực sản xuất lúa giống là một trong những lĩnh vực mà tỉnh còn yếu. Do đó, thời gian qua, trong thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, tỉnh Đồng Tháp khuyến khích cá nhân, doanh nghiệp nghiên cứu tạo ra những giống mới, nâng cao chất lượng.
Nông dân ĐBSCL tham quan mô hình liên kết sản xuất lúa giống Đài Thơm 8 của Vinarice. Ảnh: Minh Đảm.
Trong đó, địa phương đã thu hút được Công ty Vinarice, một doanh nghiệp chuyên sản xuất lúa giống chất lượng cao. Vụ này, tại huyện Tháp Mười, Vinarice đã liên kết với bà con nông dân thực hiện gần 1.000ha lúa giống chất lượng cao. Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp cho rằng, đây là tín hiệu rất đáng mừng, bởi định hướng hoạt động của doanh nghiệp đúng theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.
Trên cánh đồng liên kết sản xuất lúa Đài Thơm 8 thế hệ mới của Công ty Vinarice tại huyện Tháp Mười, ông Phạm Thiện Nghĩa khẳng định:
“Trên cánh đồng này, đây không chỉ là niềm vui của bà con nông dân, doanh nghiệp, mà đó còn là niềm vui, tự hào của cả tỉnh Đồng Tháp. Chúng ta không chỉ đơn thuần sản xuất lúa hàng hóa nữa mà bây giờ đã khuyến khích bà con sản xuất lúa chất lượng cao, đặc biệt là lúa giống để phục vụ sản xuất lúa hàng hóa thương phẩm cho các vùng trồng lúa trọng điểm trong tỉnh cũng như các địa phương khác. Theo Công ty Vinarice, Đài Thơm 8 là giống lúa đã phát triển ở nhiều vùng trồng trên cả nước, thậm chí đã xuất khẩu sang Campuchia. Nhờ đó, đã nâng cao chất lượng lúa gạo, chuỗi giá trị nông sản Đồng Tháp”.
Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, điều đặc biệt nhất được ông đánh giá rất cao, đó là mô hình liên kết sản xuất giữa Công ty Vinarice với bà con trồng lúa thông qua các hợp tác xã, hội quán.
“Ngày xưa, chỗ này chỉ sản xuất lúa hàng hóa thông thường nhưng vài năm nay bà con chuyển sang trồng lúa giống chất lượng cao. Điều này cho thấy bà con rất chịu khó tiếp cận, nghiên cứu khoa học kỹ thuật và chịu thực hiện theo hướng dẫn của Công ty, biến vùng đất nhiều phèn này trở nên trù phú. Qua đây cũng thấy được hiệu quả nhờ kinh tế hợp tác, mô hình hội quán. Điều này là rất mừng trong định hướng tiêu thụ nông sản của tỉnh Đồng Tháp”, ông Phạm Thiện Nghĩa chia sẻ thêm.
Nông dân mê mẩn giống lúa Đài Thơm 8 thế hệ mới kháng tốt bệnh đạo ôn, đơ bông và lem lép hạt. Ảnh: Minh Đảm.
Nói về mô hình liên kết của Vinarice tại ĐBSCL, ông Bùi Quang Sơn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam (Vinarice) chia sẻ: “Chúng tôi định vị Đồng Tháp là tỉnh chiến lược. Hiện nay, Vinarice đang xây dựng vùng nguyên liệu tập trung tại huyện Tháp Mười. 8 tháng đầu năm 2022, chỉ tính riêng tại đây, Công ty đã xây dựng vùng liên kết sản xuất trên 2.000ha. Diện tích còn lại là tại các huyện khác trong tỉnh Đồng Tháp và lân cận”.
Ông Sơn cũng chia sẻ thêm, bà con nông dân ở Tháp Mười đã cộng tác với Vinarice gần 15 năm, cùng nhau chia ngọt sẻ bùi nên ngày càng tin tưởng gắn bó hơn. Ông cũng đánh giá, bà con nơi đây sản xuất rất chuyên nghiệp, khoa học và chịu khó học hỏi nên chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao.
Hướng tới, Vinarice sẽ ưu tiên mở rộng quy mô vùng nguyên liệu sản xuất lúa giống tại huyện Tháp Mười và những địa phương khác trong tỉnh Đồng Tháp. “Chúng tôi mua chênh lệch giá rất cao từ 1.000 -1.700 đồng/kg, tùy theo giống. Lợi nhuận so với bà con không liên kết vượt từ 20 – 25%. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mở rộng vùng sản xuất lúa thương phẩm. Như hiện nay, chúng tôi mở rộng sản xuất giống lúa Nhật tại huyện Tam Nông khá lớn, trên 600ha”, ông Bùi Quang Sơn thông tin.
Hàng trăm lượt nông dân ĐBSCL tham quan Đài Thơm 8
Từ ngày 16 – 20/08/2022 tại huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam (Vinarice) tổ chức trình diễn mô hình cánh đồng liên kết sản xuất giống lúa Đài Thơm 8 thế hệ mới, vụ hè thu 2022 với diện tích khoảng 700ha. Trong thời gian tổ chức trình diễn, Vinarice dự kiến sẽ tiếp đón hàng trăm lượt nông dân vùng ĐBSCL đến tham quan.
Ruộng lúa 3,5ha của ông Trịnh Văn Hiển (ở ấp 4, xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười) đang ở giai đoạn cuối bông cái, đỏ đuôi, cong trái me, sắp thu hoạch nhưng lá đài lúa thẳng đứng, xanh mướt, không thấy xuất hiện sâu bệnh hại. Theo ông Hiển chia sẻ, đây là vụ đầu tiên ông đưa vào sản xuất giống lúa này. Qua chăm sóc, ông đánh giá lúa ít bị đơ bông, ít bị lem lép hạt và kháng tốt bệnh đạo ôn dù vụ hè thu thời tiết mưa nhiều.
Không chỉ riêng ông Hiển mà hầu hết bà con nông dân tới tham quan đều rất phấn khởi. Lão nông Đỗ Văn Cảnh ở ấp Trung Hậu, xã Trung An, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long tấm tắc: “Tôi trước đây cũng sạ Đài Thơm 8 nhiều lần, mà thấy Đài Thơm 8 thế hệ mới này trúng hơn, hạt khá lắm, tỷ lệ vô gạo trên 90%, năng suất cao hơn trước nhiều. Tôi thấy dàn lúa này ít bệnh, đạt lắm!".
Theo Báo NNVN