Ấn phẩm doanh nghiệp
Thành quả đầu tiên của Vinarice trong hành trình "Canh tác lúa giảm phát thải"
13/06/2024
Tại huyện Tam Nông, Đồng Tháp, cánh đồng lúa đầu tiên trong Dự án TRVC đã thu hoạch. Ngày thu hoạch, người trồng lúa nô nức đến kiểm chứng hiệu quả thực tế.
Niềm vui lan tỏa trên những cánh đồng
Đầu năm 2024, Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) công bố Dự án “Chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững tại khu vực ĐBSCL” (Dự án TRVC).
Dự án TRVC đến nay đã huy động được 11 doanh nghiệp uy tín trong ngành hàng lúa gạo tham gia hợp tác cùng nông dân, hợp tác xã các địa phương, trong đó có Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam (Vinarice) - Thành viên Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed).
Các doanh nghiệp đều đưa ra các gói công nghệ ưu việt để đảm bảo tối thiểu người nông dân thu được 30% lợi nhuận từ sản xuất lúa. Khi thực hiện hợp đồng thu mua, sản phẩm có thể tham gia phân khúc gạo cao cấp. Khi bán được tín chỉ carbon, doanh nghiệp cũng sẽ chia sẻ lợi nhuận nhuận cho nông dân.
Bước đầu đã có hơn 8.000 ha lúa đăng ký tham gia Dự án TRVC. Các hoạt động sẽ tạo ra lợi ích nền tảng để sau này doanh nghiệp và bà con nông dân có thể tự liên kết.
Cánh đồng tham gia Dự án TRVC của ông Nguyễn Văn Khanh, huyện Tam Nông, Đồng Tháp đang thu hoạch.
Mới đây, tại huyện Tam Nông, Đồng Tháp, cánh đồng lúa đầu tiên trong Dự án TRVC của Công ty Vinarice bước vào vụ thu hoạch trong sự phấn khởi của tất cả bên tham gia, đánh dấu thành quả đầu tiên trong hành trình “Canh tác lúa giảm phát thải” của Công ty.
Tháng 1/2024, ông Nguyễn Văn Khanh, huyện Tam Nông, Đồng Tháp quyết định đưa 32 ha diện tích lúa của mình vào tham gia Dự án TRVC với sự hỗ trợ của Công ty Vinarice.
Tham gia Dự án, ông Khanh được Vinarice liên kết, hướng dẫn canh tác giống lúa Hương Châu 6, thực hiện giải pháp 1 phải 5 giảm (1P5G) và tưới ngập khô xen kẽ (AWD). Lượng giống sử dụng là 60 kg/ha, lượng phân bón 560 kg/ha, tổng số lần siết nước là 8 lần.
Ông Nguyễn Văn Khanh (áo xanh ngoài cùng bên trái), huyện Tam Nông, Đồng Tháp phấn khởi chia sẻ kết quả đạt được khi tham gia Dự án TRVC.
Kết quả vụ này cho thấy, năng suất đã đạt hơn 7 tấn/ha, cao hơn so với canh tác truyền thống chỉ đạt 6 tấn/ha; lợi nhuận đạt trên 35 triệu đồng/ha, chênh lệch cao hơn nhiều so với phương pháp canh tác truyền thống của nông dân hơn 17 triệu đồng/ha.
Ông Khanh chia sẻ: “Quá trình sản xuất cũng rất thuận lợi, không có gì khó khăn. Áp dụng theo hướng dẫn của Công ty Vinarice thì mình sạ lúa thưa để giảm lượng giống, bón phân cân đối theo nhu cầu của cây lúa, rồi tưới ướt khô xen kẽ”.
Trong suốt mùa vụ mô hình triển khai, nhiều nông dân lân cận trong khu vực cũng thường xuyên lui tới theo dõi đồng ruộng. Ngày thu hoạch, người trồng lúa cũng nô nức đến kiểm chứng hiệu quả thực tế.
“Dù sạ lúa rất thưa, sử dụng lượng giống và phân bón rất ít, nhưng lúa lại trúng mùa, thậm chí trúng hơn ruộng sạ dày của gia đình tôi”, bà Lê Thị Bé Sáu, nông dân trồng lúa tại huyện Tam Nông, Đồng Tháp ấn tượng khi thăm ruộng lúa thu hoạch của gia đình ông Khanh.
Bà Sáu hồ hởi nói thêm: “Sắp tới đây tôi cũng phải học hỏi anh Khanh để sản xuất vụ mới đạt kết quả tốt hơn”.
Bà Lê Thị Bé Sáu (áo kẻ sọc, đứng giữa) chia sẻ cùng đoàn công tác do bà Kristin Tilley, Đại sứ Australia về biến đổi khí hậu - Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia dẫn đầu thăm quan ruộng lúa của ông Nguyễn Văn Khanh.
Kỹ thuật canh tác hiện đại ngày một gần gũi hơn với nông dân
Với huyện Tam Nông nói riêng và tỉnh Đồng Tháp nói chung, dù không chịu ảnh hưởng lớn từ xâm nhập mặn nhưng những tác động bất lợi của thời tiết không theo chu kỳ hằng năm như nắng nóng hay mưa kéo dài đều có thể gây thiệt hại cho sản xuất. Vì vậy cần áp dụng những kỹ thuật tiên tiến, công nghệ hiện đại để giúp tăng sức chống chịu với biến đổi khí hậu cho cây lúa, đảm bảo năng suất và chất lượng.
Thành quả đầu tiên trong Dự án TRVC phần nào chứng minh, việc mạnh dạn thay đổi thói quen canh tác, dám nghĩ dám làm đã giúp bà con nông dân tăng thêm thu nhập, bảo đảm sức khỏe người trồng lúa, người tiêu dùng và bảo vệ môi trường.
Bà Kristin Tilley, Đại sứ Australia về biến đổi khí hậu - Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia đánh giá tích cực về kết quả Dự án TRVC mang lại cho cộng đồng.
Bà Kristin Tilley, Đại sứ Australia về biến đổi khí hậu - Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia chia sẻ: “Nông dân tại ĐBSCL đã canh tác lúa qua nhiều thế hệ. Tôi đánh giá cao việc nhận thức của nông dân đã thay đổi trước tác động của biến đổi khí hậu và họ sẵn sàng tham gia mô hình từ những trải nghiệm của những nông dân, doanh nghiệp tiên phong”.
“Những cách làm hiệu quả sẽ tiếp tục được lan tỏa để tất cả các bên cùng có lợi, mang lại nhiều giá trị hơn cho cộng đồng trong thời gian tới”, bà Kristin Tilley kỳ vọng.
Còn với doanh nghiệp liên kết là Công ty Vinarice, cánh đồng đầu tiên của Dự án TRVC thu hoạch cũng đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực của Công ty nhằm hướng đến mục tiêu canh tác bền vững giảm phát thải.
Kế hoạch của Vinarice từ nay đến khi kết thúc Dự án vào năm 2027, doanh nghiệp sẽ liên kết với hơn 20 hợp tác xã và nông dân 3 tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang để chuyển đổi sang sản suất lúa phát thải thấp với diện tích trên 10.000 ha với khoảng 2.000 nông hộ được hưởng lợi trực tiếp.
Theo ông Trần Trương Tấn Tài, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam Vinarice: “Đến thời điểm này, những kết quả đầu tiên trong Dự án TRVC tương đối khả quan, đặc biệt là những kỹ thuật mới đã được bà con nhiệt tình đón nhận và có thể phát triển tốt trong thời gian tới. Vụ đầu tiên đã triển khai được 700 ha, vụ tiếp theo chúng tôi sẽ mở rộng lên gần 2.000 ha”.
Ông Nguyễn Văn Vũ Minh (áo trắng, ngoài cùng bên trái), Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp chia sẻ về những kết quả bước đầu của Dự án TRVC và vai trò của Vinarice.
Ông Nguyễn Văn Vũ Minh, Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp cho hay: “Vinarice đã thể hiện được vai trò dẫn dắt người nông dân tham gia chuỗi giá trị theo đúng hướng mục tiêu của Dự án TRVC”.
“Chúng ta làm thật, đánh giá kết quả thật, hiệu quả cũng là thật. Đây không chỉ là hiệu quả về mặt kinh tế, mà còn mang lại hiệu quả rất rõ nét về môi trường mà chúng ta đang nỗ lực thực hiện trong chuỗi lúa gạo bền vững và giảm khí thải carbon. Giờ đây câu chuyện mà chúng ta phân tích trên các diễn đàn đã đi vào thực tế trên chính mảnh ruộng của người nông dân”, ông Minh chia sẻ thêm.
Bà con nông dân chụp ảnh cùng đoàn công tác do bà Kristin Tilley, Đại sứ Australia về biến đổi khí hậu - Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia dẫn đầu khi thăm ruộng nhà ông Nguyễn Văn Khanh tại huyện Tam Nông, Đồng Tháp.
Với kết quả bước đầu nhiều phấn khởi, thành công đầu tiên này rõ ràng là bước đệm tốt để các kỹ thuật canh tác hiện đại, thích ứng biến đổi khí hậu ngày một gần gũi hơn với nông dân.
Đồng ruộng giờ đây không chỉ đơn giản là nguồn sinh kế của các nông hộ mà sẽ là “một vòng tuần hoàn xanh” rộng lớn, truyền cảm hứng, lan tỏa thông điệp “chi phí thấp, chất lượng cao, giảm phát thải, tăng thu nhập”.
Theo Hồng Thắm - Hoài Thơ (Báo NNVN)