Media
Vinaseed's News
Kim Cương 111, Đài Thơm 8: 2 giống lúa nông dân Kinh Bắc thích mê
21/06/2018
Kim Cương 111 và Đài Thơm 8 là giống lúa thuần do Công ty cổ phần Giống cây trồng miền Nam (thành viên của Vinaseed Group) nghiên cứu và chọn tạo. Cả hai giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn, cảm ôn nên có thể gieo cấy ở 2 vụ/năm, thích ứng rộng, năng suất cao, chống chịu tốt với sâu bệnh...
Vừa qua, Trạm Khuyến nông huyện Yên Phong (Bắc Ninh) đã phối hợp Công ty cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed Group) tổ chức hội nghị đầu bờ đánh giá chất lượng, năng suất, khả năng chống chịu sâu bệnh của 2 giống lúa Kim Cương 111 và Đài Thơm 8 tại tại xã Phù Cầm, Dũng Liệt với diện tích 10ha.
Giống lúa Đài Thơm 8 được đánh giá cho năng suất cao, chất lượng gạo ngon
có thể thay thế Bắc Thơm 7. Ảnh: T.T
Năng suất cao, chất lượng gạo ngon
Là đại biểu tham quan trực tiếp mô hình, ông Hứa Văn Huyên (xã Tam Giang, huyện Yên Phong, Bắc Ninh) cho biết: Nhà tôi cấy giống lúa Đài Thơm 8 từ 2017 đến nay. Vụ xuân 2018, trên vùng đất Tam Giang chúng tôi, nhiều ruộng lúa Bắc Thơm 7 bị đạo ôn bạc trắng, nhưng giống Đài Thơm 8 thì gần như là không bị. Giống lúa này có chất lượng gạo ngon, năng suất cao, đạt 2,3 tạ/sào.
Đài Thơm 8 là giống lúa thuần có dạng hình cây cao trung bình, khóm gọn, phiến lá thẳng đứng, màu xanh, lá đòng dài, trỗ tập trung - những ưu điểm của giống cũng là tiền đề để giống cho năng suất cao. Thời gian sinh trưởng ngắn nên giống Đài Thơm 8 rất phù hợp thời vụ để triển khai đại trà.
Theo báo cáo đánh giá của Trạm Khuyến nông Yên Phong, Đài Thơm 8 là giống lúa chất lượng có tiềm năng năng suất cao, dễ làm, dễ chăm sóc, trỗ thoát nhanh, cứng cây, số dảnh hữu hiệu và năng suất cao. Giống lúa này có sức chống chịu khá tốt với một số đối tượng sâu bệnh hại, đặc biệt là bệnh bạc lá, phù hợp với điều kiện canh tác, đất đai của địa phương.
Ông Ngô Đức Thanh - nông dân trực tiếp tham gia mô hình chia sẻ: “Đây là vụ đầu tiên tham gia mô hình, qua quá trình theo dõi từ lúc gieo mạ tới bây giờ chuẩn bị cho thu hoạch, tôi thấy mô hình cơ giới hóa đồng ruộng kết hợp với giống lúa có năng suất cao, chất lượng gạo ngon như Đài Thơm 8, Kim Cương 111 đã mang lại hiệu quả, nâng cao năng suất lao động cho bà con nông dân chúng tôi, tăng từ 15-20% so với cấy truyền thống, có thể khẳng định mô hình rất thành công. Chúng tôi luôn tin tưởng vào chất lượng giống cũng như chủ trương đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng của các bộ ngành...”.
Phát biểu tại hội nghị ông Nguyễn Văn Đạt - Trưởng phòng NNPTNT huyện Yên Phong cho hay: “Việc chọn ra được các giống lúa mới phù hợp với đồng đất của địa phương là rất cần thiết nhằm nâng cao thu nhập cho bà con nông dân. Thông qua mô hình này, chúng tôi muốn tìm ra bộ giống mới thay thế giống cũ đã bị thoái hóa hoặc một số giống lúa mới đưa vào nhưng không phù hợp với đồng đất của địa phương”.
Chống chịu sâu bệnh tốt, thích ứng rộng
Chỉ tay về ruộng lúa Kim Cương 111 của gia đình, bà Nguyễn Thị Dung (HTX Phù Cầm, huyện Yên Phong) vui vẻ cho biết: “Cứ phải nhìn thực tế trên đồng ruộng mới có thể nhận xét được chính xác về giống lúa được. Không phải nói đâu xa, nhìn ruộng lúa nhà tôi đẹp hơn nhiều so với ruộng bên cạnh, thế này là đã biết giống lúa rất ưu việt rồi”.
Về kỹ thuật chăm sóc giống lúa Kim Cương 111, bà Dũng khẳng định dễ hơn nhiều so với các giống lúa khác: “Cấy cùng một thời điểm, nhưng các giống lúa khác tôi phải phun phòng trừ sâu bệnh đến 6 lần mà vẫn bị nhiễm, còn Kim Cương 111 chỉ phải phun 2 lần mà ruộng lúa nhà tôi vẫn đẹp thế này, còn khoảng 5 ngày nữa là thu hoạch, dự kiến cho năng suất cao”.
Mô hình 10ha Kim Cương 111 và Đài Thơm 8 được Trạm Khuyến nông huyện Yên Phong áp dụng theo phương pháp cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp từ khâu làm đất, gieo mạ khay, cấy máy, chăm sóc đến khâu thu hoạch lúa đã hạ giá thành sản xuất từ 25-35% so với cách làm truyền thống.
Ông Mẫn Đức Ngô (thị trấn Chờ, huyện Yên Phong) cho hay: “Vì gia đình làm nông nghiệp là chính nên tôi rất tích cực trong việc tìm ra các giống lúa có năng suất cao, chất lượng tốt để đưa vào sản xuất, nâng cao thu nhập cho gia đình. Tôi cũng đã tham dự rất nhiều hội nghị đầu bờ đánh giá chất lượng giống lúa mới. Có những mô hình đã không đạt kết quả, nhưng mô hình Kim Cương 111 và Đài Thơm 8 này tôi thấy rất đẹp. Thông thường những giống lúa cho năng suất cao thì chất lượng gạo lại kém, nhưng Kim Cương 111 lại vừa cho năng suất cao mà chất lượng gạo tương đối khá, nên bà con nông dân chúng tôi rất ưa chuộng”.
Ông Nguyễn Văn Đạt cho biết thêm: “Kim Cương 111, Đài Thơm 8 có đặc điểm kháng bạc lá, ít bị nhiễm đạo ôn nên đã khắc phục được tình trạng này. Một minh chứng rõ nhất mà chúng tôi đã chứng kiến đó là vụ mùa năm 2017, nhiều ruộng lúa bị bệnh bạc lá, mất trắng nhưng Đài Thơm 8 vẫn cho năng suất rất cao”.
Ông Đặng Hoàng Tiến – Phó Chủ tịch UBND xã Phù Cầm cho biết: Đối với Bắc Ninh nói chung và huyện Yên Phong nói riêng, diện tích sản xuất nông nghiệp càng ngày càng hẹp nên việc đẩy mạnh cơ giới hóa, áp dụng khoa học kỹ thuật và đưa các giống có chất lượng, năng suất cao vào sản xuất là rất cần thiết. Với sự thành công của mô hình hôm nay, tin tưởng rằng mô hình sẽ được nhân rộng nhiều hơn nữa trong thời gian tới.
PV Thanh Thảo - Báo Nông thôn ngày nay / Danviet.vn
Clip được trích từ Chương trình Thời sự - Đài truyền hình Bắc Ninh
Tin liên quan
Giữ hồn gạo Dự
29/05/2018