Media
Vinaseed's News
Cánh đồng lớn giống lúa Thiên ưu 8
07/06/2018
“Năm nay, nhìn chung lúa ĐX đều được mùa. Năng suất giống Thiên ưu 8 đạt trung bình hơn 2,5 tạ/sào, gạo rất ngon, lúa rất sạch bệnh nên nhìn chung bà con trong xã rất hài lòng” - chị Nguyễn Thị Thảo...
Ảnh 1: Mô hình cơ giới hóa đồng bộ trên diện tích 100 ha giống Thiên ưu 8 tại xã Ngũ Kiên
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh đưa cơ giới hóa vào SX và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật để giảm giá thành SX lúa cho nông dân, vụ ĐX 2018, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Cty Cổ phần Giống cây trồng Trung ương (Vinaseed) và một số đơn vị liên quan đã tổ chức mô hình cơ giới hóa đồng bộ trên diện tích 100 ha giống lúa Thiên ưu 8 tại xã Ngũ Kiên, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.Để đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng trong vụ ĐX 2017-2018, xã Ngũ Kiên đã hết sức nỗ lực trong việc triển khai công tác dồn điền đổi thửa. Theo đó, toàn bộ diện tích 100 ha thực hiện mô hình đã được dồn đổi, san lấp bờ thửa, tạo mặt bằng thuận lợi cho việc đưa máy cấy vào hoạt động. Toàn bộ việc làm đất, gieo mạ khay, cấy máy và thu hoạch bằng máy gặt được thống nhất giao cho HTX Nông nghiệp Ngũ Kiên thực hiện.
Ngay vụ đầu áp dụng cơ giới hóa đồng bộ vào SX lúa, cách làm này đã nhận được sự ủng hộ và đánh giá cao của nông dân trong xã. Chị Nguyễn Thị Trung (thôn Xám, xã Ngũ Kiên), một trong số hàng trăm hộ dân tham gia mô hình cơ giới hóa với 6 sào lúa cấy giống Thiên ưu 8 đánh giá: Hiện nay, việc thuê lao động gieo cấy, gặt tại địa phương ngày càng khó khăn, với mức tiền công rất cao. Cụ thể, công cấy trung bình lên tới 150 – 200 nghìn đồng/sào; công gặt tay thậm chí tới 300 nghìn đồng/sào vẫn khó thuê người. Chỉ 2 khoản này, nếu đi thuê người cấy thủ công thì chi phí đã lên tới 450-500 nghìn đồng/sào, nếu cộng cả công làm đất nữa thì chi phí lên tới 600-700 nghìn đồng/sào. Tuy nhiên vụ ĐX vừa qua, do được HTX bao toàn bộ cơ giới hóa SX “từ A đến Z” nên nông dân chả phải đụng tay đụng chân, tới vụ gặt đã có máy gặt, chỉ việc ra khuân lúa về.
Ảnh 2: Thiên ưu 8 có năng suất, chất lượng gạo ngon
“Năm nay, nhìn chung lúa ĐX đều được mùa. Năng suất giống Thiên ưu 8 đạt trung bình hơn 2,5 tạ/sào, gạo rất ngon, lúa rất sạch bệnh nên nhìn chung bà con trong xã rất hài lòng” - chị Nguyễn Thị Thảo, một hộ dân xã Ngũ Kiên phấn khởi. Theo chị Thảo, toàn bộ diện tích lúa Thiên ưu 8 tại mô hình 100 ha ở xã Ngũ Kiên sau khi thu hoạch sẽ được Cty thu mua toàn bộ bằng thóc tươi để phục vụ chế biến gạo nên nông dân tham gia mô hình rất hài lòng và yên tâm về đầu ra cho sản phẩm.Nhờ diện tích lớn, liền một thửa, thuận tiện cho máy làm đất, cấy, gặt, lại gieo cấy đồng nhất 1 giống lúa Thiên ưu 8 nên giá các dịch vụ cũng giảm rất nhiều so với ruộng manh mún từng hộ như trước.
Cụ thể, tổng chi phí cơ giới hóa các khâu từ gieo mạ khay, làm đất, cấy máy, máy gặt chỉ khoảng 400 nghìn đồng, giảm gần ½ so với trước đây. Việc cơ giới hóa đồng bộ cũng giúp nông dân giải quyết được sức ép về thời vụ gieo cấy. Đặc biệt năm nay, do thời tiết đầu vụ ĐX 2017-2018 âm u kéo dài nên cây lúa ở các tỉnh phía Bắc có thời gian sinh trưởng dài hơn từ 7-10 ngày. Điều này tạo sức ép rất lớn về thời gian thu hoạch lúa ĐX phải nhanh nhất có thể để kịp thời gieo cấy vụ mùa 2018. Trong điều kiện đó, việc cơ giới hóa, thu hoạch đồng bộ đã tạo rất nhiều thuận lợi cho công tác chỉ đạo điều hành của ngành nông nghiệp.
Đối với Thiên ưu 8, đây là giống lúa mà nông dân ở xã Ngũ Kiên cũng như các xã lân cận ở huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) đã gieo cấy từ nhiều năm gần đây.
Ông Vũ Khắc Minh, GĐ Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Vĩnh Phúc đánh giá: Đây là giống lúa thuần chất lượng cao đã được đưa vào SX trên diện rộng ở tỉnh Vĩnh Phúc. Giống đã khẳng định được nhiều ưu điểm như có khả năng sinh trưởng, phát triển mạnh; tiềm năng năng suất cao và chịu thâm canh. Đặc biệt với mô hình áp dụng gieo mạ khay và cấy máy, do mật độ cấy hợp lý nên cây lúa sinh trưởng và phát triển khỏe, đẻ nhánh nhiều và tập trung, có độ đồng đều rất cao. Bên cạnh đó, phương pháp này cũng giúp cây lúa tăng được khả năng chống chịu sâu bệnh (nhất là rầy nâu và khô vằn), khả năng chống đổ tốt, cây lúa quang hợp được tối đa làm tăng số bông và số hạt hữu hiệu. Hạt lúa sáng bóng, chắc mẩy, tỉ lệ xay xát ở mức khá (70%)...
Ảnh 3: Mô hình cánh đồng lớn Thiên Ưu 8 tại xã Ngũ Kiên, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc
“Thiên ưu 8 là giống có chất lượng gạo ngon, dẻo, thơm đậm. Đây cũng là giống có thời gian sinh trưởng ngắn (vụ ĐX xoay quanh 125 ngày, vụ mùa từ 100 – 105 ngày) nên rất thuận lợi để giải phóng đất cho SX vụ đông trong năm trên các diện tích đất 2 lúa kết hợp với SX vụ đông. Lúa đẻ khỏe nên rất thích hợp với cấy máy, nhất là ở chân ruộng trũng, cứng cây, chống đổ tốt. Vì vậy, đây sẽ là giống lúa mà Vĩnh Phúc lựa chọn để đưa vào SX trong quá trình đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trong SX lúa” – ông Vũ Khắc Minh cho biết.Bên cạnh nhiều thuận lợi và ưu điểm, do năm đầu áp dụng cơ giới hóa đồng bộ và tiến hành dồn điền đổi thừa, địa hình đồng ruộng lại chênh lệch nên việc san gạt đồng ruộng chưa đảm bảo được tiến độ, đồng ruộng chưa thực sự bằng phẳng nên ảnh hưởng tới công suất hoạt động của các loại máy cơ giới. Bên cạnh đó theo nhận xét của nông dân tham gia mô hình, mật độ khóm khi gieo cấy bằng máy cũng cần điều chỉnh cho hợp lí, tránh tình trạng cấy quá thưa, ảnh hưởng tới tiềm năng năng suất. Về giá dịch vụ, một số ý kiến của nông dân cho rằng mức giá dịch vụ cơ giới hóa đồng bộ xoay quanh 400 nghìn đồng/sào ở vụ ĐX là chấp nhận được do năng suất lúa vụ ĐX cao, tuy nhiên đối với vụ mùa, cần có chính sách ưu đãi để giảm mức giá dịch vụ thấp hơn nữa do lúa vụ mùa năng suất thấp, rủi ro cao...
Phóng viên Lê Bền - Báo Nông nghiệp Việt Nam