Media
Vinaseed's News
60 tấn gạo Việt Nam đầu tiên được nhập khẩu vào Anh theo UKVFTA
27/01/2021
Lô hàng 60 tấn gạo thơm thượng hạng được doanh nghiệp Long Dan tại Anh nhập của Vinaseed hiện đã bày bán tại chuỗi siêu thị Long Dan với giá bán lẻ 15,5 bảng/10 kg ( 465.000 đồng/10kg).
Bản tin thời sự 19h ngày 27.1.2021. (Bản quyền clip: VTV)
Theo phóng viên TTXVN tại London, những tấn gạo thơm Việt Nam đầu tiên nhập khẩu vào Anh theo hiệp định tự do thương mại Anh-Việt Nam (UKVFTA) đã có bán trên thị trường London ngày 26/1.
Hiện nay, Anh đang áp dụng mức thuế nhập khẩu gạo thơm (Jasmin) là 17,4%. Tuy nhiên, theo UKVFTA, gạo thơm Việt Nam chất lượng cao vào thị trường Anh được miễn thuế nhập khẩu, điều này sẽ khiến gạo Việt Nam có sức cạnh tranh tốt với các nước khác cũng xuất khẩu gạo thơm sang Anh như Thái Lan.
Theo dự báo của Tham tán Thương mại Việt Nam tại Anh Nguyễn Cảnh Cường, nhờ UKVFTA, xuất khẩu gạo thơm Việt Nam chất lượng cao vào thị trường Anh năm 2021 sẽ tăng gấp cả chục lần so với năm 2020.
Bốc xếp gạo xuất khẩu tại nhà máy của Vinaseed. (Ảnh: Vinaseed)
Lô hàng 60 tấn gạo thơm thượng hạng được doanh nghiệp Long Dan tại Anh nhập của Vinaseed hiện đã bày bán tại chuỗi siêu thị Long Dan với giá bán lẻ 15,5 bảng/10 kg (465.000 đồng/10kg).
Ông Cường cho biết Long Dan là doanh nghiệp nhập khẩu đầu tiên, sắp tới sẽ có nhiều doanh nghiệp nhập gạo Việt Nam theo UKVFTA và ông cũng bày tỏ tin tưởng gạo Việt Nam sẽ tăng thị phần tại Anh trong năm 2021.
Năm 2019, Anh nhập khẩu hơn 671 nghìn tấn gạo, trị giá 531 triệu USD, đứng thứ 9 trong số 10 nước nhập khẩu gạo nhiều trên thế giới. Trong số đó, Việt Nam xuất khẩu gần 1.719 tấn, trị giá 1,296 triệu USD. Giá bình quân đạt 754 USD/tấn CIF cảng UK.
Thị phần gạo Việt Nam tại Anh chỉ chiếm khoảng 0,24% trong tổng số kim ngạch gạo nhập khẩu vào Anh. Theo ICT, gạo Việt Nam đứng thứ 22 trong số các nước có gạo bán tại Anh mặc dù Việt Nam thuộc top 5 những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.
Các nước dẫn đầu về xuất khẩu gạo sang Anh là Ấn Độ (chiếm thị phần 22%), Pakistan (18%), Tây Ban Nha (11%), Italy (10,9%), Thái Lan (9,2%)./.
Theo Diễm Quỳnh (TTXVN/Vietnam+)