Bạn nhà nông
Thành công mô hình IPM kết hợp SRI từ giống lúa Thiên Ưu 8
03/05/2018
Lần đầu tiên được áp dụng tại huyện Núi Thành (Quảng Nam), mô hình IPM trên cây lúa kết hợp kỹ thuật canh tác lúa cải tiến đã giúp người nông dân nhận thấy nhiều lợi ích.
Ảnh 1: Lần đầu tiên được áp dụng ở Núi Thành nhưng mô hình IPM kết hợp SRI đã cho thấy được nhiều hiệu quả
Với chi phí đầu tư thấp, ít sử dụng thuốc hóa học nhưng lại cho năng suất cao, mô hình giúp bà con tiếp cận được một hình thức canh tác hiệu quả, sẽ được áp dụng rộng rãi trong tương lai. Thành công bước đầu
Trong vụ ĐX năm nay, huyện Núi Thành chọn thôn Trà Tây (xã Tam Mỹ Đông) để thực hiện mô hình IPM trên cây lúa kết hợp kỹ thuật canh tác lúa cải tiến (SRI). Mô hình áp dụng trên diện tích 2.500m2 của gia đình ông Trần Văn Hồ. Giống lúa được sử dụng là Thiên Ưu 8 của Cty Cổ phần Giống cây trồng TW Quảng Nam. Đây cũng là giống lúa được người dân trong địa phương ưu tiên sản xuất trong những năm gần đây.
Thông qua các lớp tập huấn từ các cán bộ của Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp huyện, người dân dần nắm rõ được quy trình kỹ thuật thực hiện mô hình cũng như triển khai hiệu quả các biện pháp quản lý dịch hại nên đã chủ động trong công tác xử lý. Ứng dụng SRI cây lúa phát triển tốt, cứng cây, thành phần và mật độ thiên địch cao nên mật độ rầy bị khống chế, không cần phải sử dụng thuốc BVTV.
Trực tiếp thực hiện mô hình, ông Trần Văn Hồ cho biết, dù mới áp dụng lần đầu tiên nhưng thông qua các lớp tập huấn thì đây là kỹ thuật canh tác lúa hiện đại. Nếu được áp dụng rộng rãi thì hiệu quả sản xuất lúa tại địa phương sẽ tăng một cách đáng kể.
“Chỉ cần hiểu được hình thức canh tác này và áp dụng phù hợp với điều kiện địa phương hiệu quả mang lại chắc chắn như ý muốn. Vụ sản xuất vừa rồi trên mô hình IPM kết hợp SRI tôi cảm thấy rất hài lòng, lúa sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh. Trong vụ HT tới đây tôi sẽ tiếp tục áp dụng mô hình này”, ông Hồ tâm sự.
Nhân rộng mô hình theo hướng bền vững
Tạo được tính chủ động cho người nông dân, áp dụng được tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nên sau thời gian thực hiện mô hình SRI đã mang lại hiệu quả lớn. Mặc dù mật độ sạ thưa (chỉ 2kg/sào) nhưng các tỷ lệ chứng minh về năng suất như số hạt/bông, số hạt chắc/bông, năng suất lý thuyết (tạ/ha) đều cao hơn ruộng được sản xuất theo tập quán cũ.
Ảnh 2: Mô hình IPM kết hợp SRI tiếp kiệm được nhiều chi phí, năng suất cao nên tăng lợi nhuận đáng kể
Ông Nguyễn Hữu Tình (xã Tam Mỹ Đông, Núi Thành): “Vụ ĐX vừa qua tôi có canh tác 1 sào lúa Thiên Ưu 8 bằng mô hình IPM cho năng suất rất đạt. Nếu như năng suất lúa trung bình ở địa phương chỉ vào khoảng 58 tạ/ha thì lúa Thiên Ưu 8 đạt đến 65 tạ/ha, cao nhất so với các giống lúa mà tôi trồng trước đây. Ngoài ra, giống lúa này cũng có khả năng chống chịu với điều kiện thời tiết, sâu bệnh trong vụ ĐX ở địa phương rất tốt nên chắc chắn trong vụ mùa tới, tôi sẽ tiếp tục gieo giống Thiên Ưu 8 vào đồng ruộng của mình”.Theo tính toán của Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp huyện Núi Thành, mô hình cánh đồng IPM kết hợp SRI tiết kiệm được nhiều chi phí từ giống, phân bón, thuốc BVTV, công lao động vừa đạt năng suất cao hơn nên từ đó lợi nhuận cũng tăng theo.
Chi tiết hơn thì với 1ha lúa theo mô hình trên sẽ tăng lợi nhuận cho người nông dân gần 5 triệu đồng so với sản xuất lúa đại trà.
Ông Nguyễn Văn Chính, Phó Giám đốc Cty CP Giống cây trồng TW Quảng Nam đánh giá kết quả thử nghiệm giống Thiên Ưu 8 vừa qua đã đạt được kết quả tương đối tốt.
Tuy nhiên, điều kiện cần đầu tiên để đem tới sự thành công của mô hình là đảm bảo về mật độ. Điều này phù hợp với hình thức cấy được áp dụng ở vùng miền núi còn tại Núi Thành đang sử dụng hình thức sạ nên bà con cũng nên cần có sự điều chỉnh phù hợp.
“Vụ ĐX vừa qua, tại địa phương gặp thời tiết lạnh kéo dài nên có hạn chế một phần đến khả năng đẻ nhánh của giống lúa Thiên Ưu 8. Nếu mô hình này gặp được điều kiện thuận lợi và sử dụng phương pháp cấy thì sẽ đạt hiệu quả và năng suất hơn nữa.
Do đó, với hình thức canh tác lúa của địa phương hiện nay thì cần theo dõi tình hình khí hậu để cân đối lượng giống sạ, vừa đảm bảo không lãng phí vừa cho được kết quả tối đa”, ông Chính chia sẻ.
Ông Bùi Văn Gác, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp huyện Núi Thành cho rằng đây là mô hình canh tác lúa tương đối mới ở địa phương và hiệu quả thu được thì không thể phủ nhận. Người dân cần nhận rõ được những ưu điểm cũng như kỹ thuật của mô hình để áp dụng nhằm giảm chi phí và tăng năng suất.
“Các học viên đã được tập huấn về kỹ thuật cần mạnh dạn duy trì và ứng dụng vào sản xuất cho những vụ tiếp theo, đồng thời vận động nhân dân trong thôn, xã cùng thực hiện để mô hình được duy trì bền vững. Chính quyền các xã, công ty giống cần tư vấn, hỗ trợ, tạo điều kiện cho bà con thực hiện mô hình trong thời gian tới, mà gần nhất là vụ HT 2018”, ông Gác nói.
Ảnh 3: Dù sạ thưa nhưng canh tác đúng kỹ thuật của mô hình cùng với khả năng đẻ nhánh khỏe của giống lúa Thiên Ưu 8
nên năng suất vẫn cao hơn so với sản xuất lúa đại trà
Ông Nguyễn Văn Chính, Phó Giám đốc Cty CP Giống cây trồng TW Quảng Nam: "Giống lúa Thiên Ưu 8 canh tác ở tỉnh Quảng Nam 4 năm qua, chứng minh được hiệu quả tại nhiều địa phương. Giống lúa đã được thử nghiệm qua một số mô hình canh tác mới trong đó có mô hình IPM kết hợp SRI tại Núi Thành, cho kết quả tốt, người dân đánh giá cao với khả năng đẻ nhánh khỏe, năng suất và kháng sâu bệnh vượt trội. Thiên Ưu 8 là giống hạt nhỏ, dài, cơm ngon. Tại Quảng Nam, Núi Thành là huyện tập trung sử dụng Thiên Ưu 8 tương đối nhiều trong vụ HT”.nên năng suất vẫn cao hơn so với sản xuất lúa đại trà
Phóng viên LÊ KHÁNH - Theo báo điện tử nongnghiep.vn