Bạn nhà nông
Muốn trồng ngô sinh khối, đã có SSC 586
22/08/2022
Giống ngô SSC 586 đang trở thành 'người bạn đồng hành' cùng nông dân Thanh Hóa trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển ngô sinh khối phục vụ chăn nuôi gia súc.
Chịu mật độ dày, năng suất 55 - 60 tấn/ha
Giống ngô sinh khối SSC 586 được trồng thử nghiệm lần đầu tiên tại Thanh Hóa từ cuối năm 2020, đến nay đã cho thấy sự phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương. Hiện nay, nhiều huyện trong tỉnh đã đưa giống ngô này vào sản xuất đại trà, cho năng suất, chất lượng cao.
Anh Nguyễn Xuân Thắng (xã Yên Thái, Yên Định, Thanh Hóa) chia sẻ về hiệu quả khi trồng giống ngô sinh khối SSC586. Ảnh: An Yên.
Mặt khác, do nhu cầu thức ăn xanh cho trâu, bò, nông dân nhiều huyện trong tỉnh Thanh Hóa đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, lựa chọn giống ngô sinh khối SSC 586 để thâm canh, phục vụ chăn nuôi đại gia súc cho các hộ gia đình và cung ứng nguyên liệu thức ăn thô xanh cho các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi quy mô công nghiệp.
Là một trong số các hộ dân tiên phong sử dụng giống ngô sinh khối SSC 586, ông Nguyễn Xuân Thắng (xã Yên Thái, Yên Định) phấn khởi khi vừa thu hoạch xong vụ ngô sinh khối thắng lợi: “Gia đình tôi vừa thu hoạch 1ha ngô sinh khối SSC 586, cho năng suất khoảng 55,4 tấn/ha. Sau khi thu hoạch, đơn vị bao tiêu đã về tận ruộng để thu mua với giá 900 nghìn đồng/tấn, trừ chi phí, lãi khoảng 25 triệu đồng/ha. Nếu thâm canh tốt 3 vụ/năm, trồng ngô sinh khối cho hiệu quả rất khá".
Cũng như anh Thắng, nhiều hộ dân tại xã Yên Thái đánh giá, giống ngô sinh khối SSC 586 có ưu điểm vượt trội so với các giống ngô lai khác là dễ trồng, chi phí đầu tư thấp, năng suất cao, đồng thời cho thu nhập cao hơn so với cây lúa và cây trồng ngắn ngày khác cùng trên chân đất và diện tích thâm canh. Vụ này, trên địa bàn xã Yên Thái đã gieo trồng được khoảng 20ha giống ngô sinh khối SSC 586 và đạt năng suất cao.
Giống ngô sinh khối SSC 586 có kiểu hình lá dựng đứng, cho phép trồng với mật độ dày để tăng năng suất sinh khối. Ảnh: An Yên.
Bà Nguyễn Thị Lan, cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Định đánh giá: “Giống ngô SSC 586 có nhiều đặc tính nổi trội như thân to, lá dày, dựng đứng nên có thể trồng mật độ dày; bắp ngô to đồng đều, hạt đóng múp đầu, tỷ lệ 2 bắp trên thân cao. Thời gian sinh trưởng ngắn, từ 75 - 80 ngày đối với việc thu sinh khối. Đặc biệt, giống ngô này có thể trồng được 3 vụ/năm và trên nhiều chân đất khác nhau, năng suất sinh khối đạt bình quân 55 – 60 tấn/ha. Ngoài ra, giống ngô SSC 586 không phải ngô chuyển gen nhưng chống chịu sâu bệnh rất tốt”.
Nhiều doanh nghiệp chăn nuôi bao tiêu sản phẩm
Từ đầu năm tới nay, Vinaseed – Chi nhánh Thanh Hóa đã cung ứng khoảng 22 tấn giống ngô cho bà con nông dân các huyện Cẩm Thủy, Vĩnh Lộc, Yên Định, Thọ Xuân, Thiệu Hóa. Hiện nay, diện tích gieo trồng giống ngô sinh khối này đạt từ 600 - 800ha và đang tiếp tục mở rộng tại nhiều địa phương trong tỉnh. Với những ưu điểm vượt trội, giống ngô SSC 586 đang từng ngày chinh phục lòng tin của bà con nông dân.
Ông Phạm Trung Kiên, Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed) – Chi nhánh Thanh Hóa cho biết, để hỗ trợ bà con nông dân đạt hiệu quả cao trong quá trình canh tác giống ngô SSC 586, Công ty đã cùng với cán bộ khuyến nông huyện, xã hướng dẫn bà con thực hiện các biện pháp thâm canh, kết hợp với áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng.
Thanh Hóa đang mở rộng nhanh diện tích ngô sinh khối phục vụ chăn nuôi gia súc ăn cỏ đang phát triển rất nhanh. Ảnh: An Yên.
“Giống ngô SSC 586 dễ trồng, dễ chăm sóc do những đặc tính ưu việt đã được kiểm chứng trên thực tế. Tuy nhiên, để đảm bảo năng suất, chất lượng tốt và áp dụng đại trà, Công ty đã cử cán bộ trực tiếp xuống đồng để hướng dẫn người dân thực hiện quy trình kỹ thuật sản xuất từ làm đất, gieo trồng, chăm sóc, bón phân. Bên cạnh đó, người dân còn được hỗ trợ tư vấn khi phòng trừ sâu bệnh cho cây ngô trong quá trình sinh trưởng và phát triển”, ông Kiên cho biết.
Cũng theo ông Kiên, để tạo bước phát triển đột phá cho ngô sinh khối SSC 586 và tăng thu nhập cho người dân, Công ty đã chủ động liên kết một cách chặt chẽ, bài bản giữa “3 nhà” (doanh nghiệp, nhà nông, cùng sự vào cuộc của ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương) từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
“Bên cạnh việc cung ứng giống, hỗ trợ tư vấn, chăm sóc, Vinaseed – Chi nhánh Thanh Hóa đã tổ chức nhiều cuộc khảo nghiệm thực tế, trong đó trực tiếp mời đại diện các đơn vị lớn trong ngành chăn nuôi như Công ty Vinamilk, TH True Milk, Nông trường Thống Nhất tới dự, chứng kiến kết quả. Qua những hoạt động như vậy, doanh nghiệp đã cam kết bao tiêu sản phẩm ngô sinh khối cho nông dân…”, ông Kiên cho biết.
Các doanh nghiệp chăn nuôi lớn luôn đồng hành cùng Vinaseed - Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa trong phát triển các vùng nguyên liệu ngô sinh khối. Ảnh: An Yên.
Ông Đỗ Văn Dũng, Công ty Cổ phần Giống và Phát triển chăn nuôi Thọ Xuân – đại diện đơn vị bao tiêu ngô sinh khối cho nông dân đánh giá: “Ngô sinh khối SSC 586 với ưu điểm nổi trội là thân cứng, lá dày, bắp to, đều có thể làm nguyên liệu thô xanh cho chế biến thức ăn phục vụ chăn nuôi gia súc. Do nhu cầu mở rộng sản xuất và chế biến thức ăn quy mô công nghiệp, nên việc bao tiêu sản phẩm ngô sinh khối cho nông dân cũng trở nên thuận lợi hơn. Tại huyện Thọ Xuân, có đơn vị thu mua tới hàng chục tấn ngô sinh khối trong một ngày để chế biến thức ăn gia súc”.
Thành công bước đầu từ các mô hình khảo nghiệm sản xuất giống ngô sinh khối SSC 586 được kỳ vọng sẽ giúp người dân nhiều huyện trong tỉnh Thanh Hóa từng bước thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập, thay thế các loại cây trồng ngắn ngày, năng suất thấp trên đơn vị diện tích.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục thực hiện các chính sách tạo điều kiện phát triển toàn diện ngành chăn nuôi, chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi quy mô lớn, phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm bền vững. Hiện nay, tổng đàn bò trong tỉnh Thanh Hóa đạt 280 nghìn con (bò sữa đạt 50 nghìn con). Theo kế hoạch phát triển chăn nuôi tập trung đến năm 2025, tổng đàn bò toàn tỉnh ước đạt 340 nghìn con (bò sữa đạt 75 nghìn con).
Theo: An Yên - Báo Nông Nghiệp Việt Nam