Bạn nhà nông
Lúa Kim Cương 111 chống chịu sâu bệnh, năng suất vượt trội
18/05/2018
Vụ Đông Xuân 2018 tại Đăk Lăk, so với một số giống khác, giống lúa Kim Cương 111 cho thấy có nhiều ưu điểm vượt trội như khả năng chống chịu sâu bệnh và năng suất vượt trội
Bông dài, to cho năng suất cao
Vừa qua, Công ty Cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (VINASEED GROUP) chi nhánh tại Đăk Lăk đã đưa giống lúa Kim Cương 111 vào trồng khảo nghiệm tại huyện Lắk. Theo đánh giá của Trạm khuyến nông huyện Lắk, giống lúa này có nhiều ưu điểm vượt trội hơn so với các giống lúa khác đang gieo cấy tại địa phương.
Ảnh 1: Giống lúa Kim cương 111 cho năng suất cao
Qua quan sát cho thấy cây lúa Kim Cương 111 có chiều cao trung bình khoảng 108cm, dạng hình gọn lá, cứng màu xanh đậm, góc lá đòng hẹp, tỷ lệ bông hữu hiệu cao, bông to, hạt tròn dài. Kết quả đo đếm thực tế tại ruộng mô hình giống lúa Kim Cương 111 cho thấy, số hạt trên bông đạt đến 195 hạt, chiều dài bông lên đến 24cm, số hạt chắc/bông đạt 151 hạt nên đạt năng suất cao (năng suất thực thu đạt 11 tấn/ha, so với giống đối chứng là 9,2tấn/ha). Quá trình chăm sóc cho thấy, giống lúa Kim Cương 111 có thời gian sinh trưởng ngắn hơn 10 ngày so với các giống khác.Về kỹ thuật gieo trồng, trong khi các giống khác cần đến 14kg giống/sào thì giống lúa Kim Cương 111 chỉ 10kg/sào. Theo tính toán của Trạm khuyến nông huyện Lắk, tổng chi phí cho mỗi sào lúa Kim Cương 111 khoảng hơn 2,2 triệu đồng, thấp hơn giống lúa đối chứng hơn 750.000 đồng. Cùng với năng suất cao, việc giảm được chi phí đầu tư giúp mỗi sào lúa Kim Cương 111 cho lợi nhuận lên đến hơn 3,7 triệu đồng/sào, chênh lệch hơn giống lúa thường đến hơn 1,7 triệu đồng.
Cũng theo Trạm khuyến nông huyện Lăk, mô hình thử nghiệm giống lúa Kim Cương 111 nói trên được gieo sạ vào thời điểm thời tiết phức tạp, sau đợt gieo sạ có mưa lớn nên ruộng lúa bị ngập úng nhiều lần với thời gian dài. Tuy nhiên, cây lúa Kim Cương 111 đã phục hồi rất mạnh và không phải gieo sạ lại như những ruộng lúa khác. Giữa vụ trời âm u, sương mù dày, nhiều ngày không có ánh nắng mặt trời…trong khi lúa bước vào giai đoạn phân hóa và trổ. Cuối vụ, thời tiết chuyển sang nắng nóng gay gắt, thiếu nước vào cuối vụ.
Bà Phạm Thị Gấm (thôn Liên Kết 3, xã Buôn Tría, huyện Lắk) - nông dân tham gia trồng khảo nghiệm Kim Cương 111, cho biết thời điểm gieo cấy lúa đã liên tiếp bị ngập lụt, tuy nhiên sau đó cây lúa phục hồi nhanh và vẫn cho năng suất cao hơn các giống lúa khác bà đã trồng.
Gạo dẻo thơm, thâm canh tốt
Ảnh 2: Ruộng lúa trồng bằng giống Kim cương 111 của gia đình bà Gấm được nhiều nông dân tham quan đánh giá cao
Quá trình chăm sóc ruộng lúa Kim Cương 11, nông dân nên giữ đủ nước, tỉa dặm kịp thời, bón thúc sớm cho lúa đẻ sớm, đẻ tập trung, phát triển cân đối, có nhiều bông hữu hiệu, hạn chế sâu bệnh. Ngoài ra, cần thường xuyên kiểm tra các loại sâu bệnh, phát hiện sớm và phòng trừ kịp thời.Cũng theo bà Gấm, gạo của giống lúa Kim Cương 111 có chất lượng tốt, gạo trắng, cơm thơm, bóng, mềm, vị đậm.
Kim cương 111 là giống cảm ôn, nên gieo cấy được cả hai vụ. Giống lúa này có thời gian sinh trưởng từ 130-135 ngày đối với vụ Xuân ở khu vực Đồng bằng sông Hồng và trung du Bắc Bộ, vụ Mùa từ 105-110 ngày (nếu gieo sạ thời gian sinh trưởng rút ngắn 3-5 ngày). Đối với khu vực Bắc Trung bộ, thời gian rút ngắn 3-5 ngày so với khu vực Đồng bằng sông Hồng. Khu vực Nam Trung bộ, thời gian sinh trưởng của giống Kim Cương 111 ở vụ Đông xuân là 110-115 ngày, vụ Hè thu 100-105 ngày.
Qua quá trình trồng khảo nghiệm ở nhiều nơi cho thấy, năng suất của Kim Cương 111 đạt trung bình từ 7-8 tấn/ha, thâm canh tốt có thể đạt tối đa 8-9 tấn. Giống lúa này chịu thâm canh và chịu rét khá. Ưu điểm khác của giống lúa Kim Cương 111 là kháng bệnh tốt nên người dân tiết kiệm được nhiều chi phí và công sức.
Theo cán bộ kỹ thuật của Vinaseed Group chi nhánh tại Đăk Lăk, Kim Cương 111 thích hợp loại đất chân vàn, vàn cao. Để hạn chế được sâu bệnh, chi phí chăm bón thì bà con nông dân nên tuân thủ quy trình chăm sóc và hướng dẫn lịch thời vụ ở địa phương.
Để đạt được năng suất tốt nhất, trước khi gieo trồng, đối với mỗi ha, nông dân nên bón lót trước khi bừa cấy từ 7-8 tấn phân hữu cơ hoặc 2 tấn phân vi sinh cùng 560- 700kg phân NPK. Đối với vụ Xuân, khi cây lúa bén rễ hồi xanh thì bón 280-340kg/ha phân NPK (16-5-17) cùng 30kg phân đạm urê, đối với vụ Mùa thì giảm lượng phân NPK lại còn chừng 220-280kg/ha và kết hợp sục bùn.
Phóng viên Duy Hậu - Báo điện tử danviet.vn