Bạn nhà nông
Liên kết xây dựng vùng sản xuất lúa giống 2.000 ha tại miền Tây
12/12/2024
Ngày 12/12, tại tỉnh Đồng Tháp, Công ty Cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam tổ chức hội nghị tổng kết dự án: “Xây dựng mô hình hợp tác xã tổ chức sản xuất hạt giống lúa liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm tại vùng ĐBSCL”.
Dự án "Xây dựng mô hình hợp tác xã tổ chức sản xuất hạt giống lúa liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm tại vùng ĐBSCL" triển khai ở Đồng Tháp, Kiên Giang, An Giang và Long An. Giống lúa được chọn thực hiện là Đài Thơm 8.
Ảnh: Ông Dương Quang Sáu - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
Sau 3 năm triển khai, dự án đã thực hiện được tổng số 34 mô hình hợp tác xã liên kết sản xuất, trong đó có 7 mô hình sản xuất giống lúa cấp nguyên chủng (vượt 1 mô hình so với kế hoạch) và 27 mô hình hợp tác xã sản xuất giống lúa cấp xác nhận 1 (vượt 15 mô hình).
Theo đó, mô hình sản xuất giống lúa cấp nguyên chủng đã thực hiện được 160 ha, mô hình sản xuất giống lúa cấp xác nhận 1 đã thực hiện được 2016,9 ha.
Mô hình sản xuất giống lúa cấp nguyên chủng cho năng suất trung bình đạt 6,2 tấn/ha, mô hình sản xuất giống lúa cấp xác nhận 1 năng suất trung bình đạt 5,8 tấn/ha.
Mặc dù doanh nghiệp chỉ phải cam kết thu mua 90% lượng giống nguyên chủng và 80% lượng giống xác nhận của dự án, nhưng với góc độ muốn thúc đẩy hoạt động sản xuất giống lúa đảm bảo chất lượng, công ty thực hiện thu mua 100% sản lượng giống đạt tiêu chuẩn.
Theo tính toán về hiệu quả kinh tế, mô hình sản xuất giống lúa cấp nguyên chủng tăng 68,7%, mô hình sản xuất giống lúa cấp xác nhận 1 tăng 50,4% so với sản xuất lúa lương thực.
Ảnh: Nông dân thu hoạch lúa trong mô hình liên kết với Vinaseed
Dự án đã cấp mã số vùng trồng cho 1.984 ha trên tổng số 2.160 ha. Trong quá trình triển khai, đã tổ chức được 40 lớp tập huấn cho các hộ dân tham gia mô hình và 4 lớp tập huấn nhân rộng mô hình. Nông dân tham gia dự án được hỗ trợ 50% số lượng giống, 100% bao bì phục vụ thu mua. Được đối ứng 100% phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công lao động, 50% giống...
Thông qua dự án, doanh nghiệp và các hợp tác xã, hộ dân đã hình thành được các mối liên kết sản xuất, tiêu thụ, bước đầu hình thành vùng sản xuất giống lúa với quy mô lớn hàng trăm ha, đảm bảo nguồn giống ổn định, đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy chuẩn quốc gia.
Với thành công của dự án, các hợp tác xã cũng như doanh nghiệp sản xuất mong muốn lãnh đạo tiếp tục có những chương trình, dự án hỗ trợ, ưu tiên cho doanh nghiệp nhằm thúc đẩy, mở rộng hoạt động liên kết sản xuất theo chuỗi, tạo sự ổn định, bền vững trong sản xuất lúa gạo ở vùng ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung, đóng góp cho chương trình của Chính phủ về xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam.
Ảnh: Cán bộ Công ty Cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam thông tin về kết quả triển khai dự án: “Xây dựng mô hình hợp tác xã tổ chức sản xuất hạt giống lúa liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm tại vùng ĐBSCL”. (Nguồn: H.X.)
Tại hội thảo, ông Dương Quang Sáu - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam cho biết, ngày 9/5/2022, phía Công ty và Trung tâm khuyến nông Quốc gia đã thực hiện ký kết thực hiện dự án khuyến nông trung ương về “Xây dựng mô hình hợp tác xã tổ chức sản xuất hạt giống lúa liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm tại vùng ĐBSCL” giai đoạn 2022-2024.
Mục tiêu của dự án là hình thành vùng sản xuất, cung ứng hạt giống lúa nguyên chủng và xác nhận thông qua liên kết giữa hợp tác xã với doanh nghiệp phục vụ vùng nguyên liệu lúa gạo xuất khẩu, có truy xuất nguồn gốc.
Đồng thời, nâng cao năng lực tổ chức, vai trò của hợp tác xã trong tổ chức sản xuất hạt giống. Góp phần tăng diện tích sử dụng hạt giống cấp nguyên chủng và xác nhận 1 trong vùng dự án, giảm giá bán hạt giống từ bằng hoặc hơn 10% so với thị trường và phát triển bền vững.
Dự án được hình thành trên cơ sở hợp tác giữa 4 nhà gồm doanh Nghiệp - cơ quan chính quyền địa phương - hợp tác xã - hộ nông dân, được triển khai trong 3 năm 2022 – 2024.
"Qua 3 năm thực hiện dự án, các bên tham gia đều hiểu rõ hơn vai trò của mình trong chuỗi sản xuất lúa giống, từ đó hình thành nên các vùng sản xuất chuyên môn hóa, đặc biệt sau dự án vẫn tiếp tục hợp tác sản xuất với công ty. Đây là một sự chuyển biến tích cực trong tư duy, nhận thức của các bên trong vấn đề duy trì quan hệ sản xuất bền vững, hợp tác đôi bên cùng có lợi, điều mà trước đến nay chưa thực sự mạnh trong hoạt động sản xuất nông nghiệp của Việt Nam" - ông Sáu nói.