Bạn nhà nông
Kim Cương 111 và 'thuốc thử liều cao' vụ mùa 2017
27/09/2017
Ít năm nào, tình hình dịch bệnh trên lúa vụ mùa tại phía Bắc lại diễn biến phức tạp như năm nay. Đây cũng được xem là “liều thuốc thử” liều cao đối với các giống lúa về khả năng chống chịu, kháng sâu bệnh. Trong số này, Kim Cương 111 đã cho thấy khả năng vượt trội về kháng sâu bệnh.
Kim Cương 111 kết hợp hiệu ứng hàng biên
Vụ mùa 2017, mặc dù tình hình dịch bệnh trên lúa diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương. Trong điều kiện đó, mô hình áp dụng giải pháp cấy lúa theo phương pháp hàng rộng - hàng hẹp (còn gọi là cấy lúa theo hiệu ứng hàng biên), kết hợp với giống lúa thuần Kim Cương 111 (sản phẩm của Cty Cổ phần Giống cây trồng TƯ) tại huyện Đông Hưng (Thái Bình) đã thể hiện được những ưu điểm vượt trội. Cấy lúa theo hiệu ứng hàng biên là tiến bộ kỹ thuật trong canh tác lúa đã được áp dụng và phổ biến khá lâu tại các tỉnh phía Bắc, tuy nhiên không phải địa phương nào cũng duy trì và mở rộng được diện tích theo phương pháp này như tại huyện Đông Hưng.
Ông Nguyễn Trọng Thành, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Phú Lương đánh giá: Lúa vụ mùa 2017 tại nhiều địa phương hiện đang bị bạc lá, một số bị nhiễm bệnh lùn sọc đen phương nam rất mạnh, tuy nhiên đối với các diện tích lúa Kim Cương 111, ưu điểm dễ thấy nhất đó là lúa gần như sạch bệnh. Đặc biệt đối với bạc lá vốn là “kẻ thù truyền kiếp” của lúa vụ mùa thì gần như không xuất hiện trên diện tích lúa Kim Cương 111.
Bên cạnh đó, ưu điểm của Kim Cương 111 là bộ lá thẳng, thoáng, kết hợp với phương pháp cấy hàng rộng - hàng hẹp nên tận dụng được tối đa ánh sáng mặt trời, khiến sâu bệnh không thể có điều kiện phát triển, nhất là rầy. Đây là lợi thế quan trọng giúp các diện tích lúa canh tác theo phương pháp này không có hiện tượng bị bệnh lùn sọc đen phương nam, bởi không có rầy (rầy lưng trắng) làm môi giới truyền bệnh ẩn náu.
Cũng theo ông Thành, cấy theo hiệu ứng ánh sáng hàng biên với khoảng cách hàng rộng 40cm, hàng hẹp 20 cm, nên khi phun thuốc BVTV, có thể di chuyển rất dễ dàng, hiệu quả phòng trừ dịch hại cũng cao hơn nhiều. Đồng thời, phương pháp này giúp giảm lượng giống, công cấy... với tổng cộng khoảng 270 - 300 nghìn đồng/sào. Từ chỗ chỉ thí điểm 2 - 3 sào vụ mùa năm 2014, đến nay nông dân trong xã đã tự chủ động áp dụng với diện tích gần 150 ha. Thời gian tới, các diện tích cấy theo phương pháp này chắc chắn sẽ còn tăng mạnh.
“Cấy theo hiệu ứng hàng rộng - hàng hẹp cũng đòi hỏi giống lúa phải đẻ nhánh khỏe. Với yêu cầu này, Kim Cương 111 là sự lựa chọn rất phù hợp bởi đây là giống lúa đẻ nhánh rất khỏe”, ông Thành cho biết.
“Đối tác” của đất vụ đông
Không áp dụng phương pháp cấy theo hiệu ứng hàng biên như tại Đông Hưng (Thái Bình), tuy nhiên vụ mùa 2017, giống lúa Kim Cương 111 lần đầu được đưa vào SX tại huyện Thanh Hà (Hải Dương) cũng đã thể hiện được chỗ đứng. Theo đánh giá của nông dân, giống đẻ nhánh rất khỏe, trung bình số bông hữu hiệu/khóm lên tới 12 - 15 bông, có khóm đã đếm được lên tới 22 bông hữu hiệu, tỉ lệ lép rất thấp. Vì vậy năng suất vụ mùa 2017 ước tính có thể đạt từ 6 - 7 tấn/ha.
Ông Nguyễn Huy Thức, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Thanh An (huyện Thanh Hà) cho biết: Vụ mùa 2017, Kim Cương 111 lần đầu tiên được HTX phối hợp với nông dân thôn Văn Tảo đưa vào SX trên diện tích tập trung 10ha. Đến thời điểm này, lúa đã đỏ đuôi, dự kiến có thể thu hoạch từ khoảng ngày 3 - 5/10/2017 (thời gian sinh trưởng dự kiến khoảng 100 - 105 ngày).
Theo ông Thức, đặc thù của xã Thanh An vụ đông là vụ SX quan trọng nhất trong năm, với cây trồng chủ lực hành, tỏi nên yêu cầu giống lúa phải có thời gian sinh trưởng ngắn để giải phóng đất sớm. Với Kim Cương 111, do có thể thu hoạch ngay đầu tháng 10 nên hoàn toàn đáp ứng được để trồng cây vụ đông sớm. Đối với SX vụ đông, việc áp dụng SX giống Kim Cương 111 với phương pháp cấy hàng rộng - hàng hẹp lại càng hoàn hảo hơn, nhất là đối với các loại cây vụ đông ưa ấm, áp dụng làm đất tối thiểu.
Ông Hoàng Đức Kiếm, Phó chủ tịch UBND huyện Đông Hưng, cho biết: Hiện nay, phong trào phát triển cây vụ đông tại Đông Hưng vẫn duy trì và phát triển rất mạnh, nhất là các loại cây vụ đông ưa ấm như ngô, bầu bí các loại. Với các diện tích cấy theo hàng rộng - hàng hẹp, các loại cây vụ đông có thể làm bầu sớm, rẽ lúa để đưa xuống chân ruộng vào vị trí các hàng rộng ngay cả khi lúa chưa gặt để tận dụng tối đa thời vụ.
Với lợi thế này nên những năm gần đây, phương pháp gieo cấy theo hàng rộng - hàng hẹp, kết hợp với các giống lúa ngắn ngày như Kim Cương 111 đang mở rộng rất nhanh tại Đông Hưng.
Theo ông Kiếm, từ chỗ thí điểm chỉ vài sào theo phương pháp hàng rộng - hàng hẹp từ năm 2014 tại xã Phú Lương, đến vụ mùa 2017, phương pháp này đã được mở rộng ra 15 xã trong huyện. Trong đó, một số xã hiện đã áp dụng tới 60 - 70% diện tích lúa cả ở vụ ĐX và vụ mùa theo phương pháp mới, tiêu biểu như Phú Lương (120ha), Đông Động (120ha)... Từ điển hình ở huyện Đông Hưng, phương pháp này hiện đã được phổ biến ra 8 huyện khác tại tỉnh Thái Bình. Trong đó, riêng diện tích lúa Kim Cương 111 kết hợp với mô hình cấy lúa theo phương pháp hiệu ứng hàng biên toàn huyện đã được áp dụng tại 5 xã trong huyện với diện tích khoảng 300ha.
Không chỉ thể hiện khả năng kháng bệnh vượt trội trong vụ mùa, đối với vụ xuân, Kim Cương 111 cũng thể hiện khả năng kháng bệnh rất tốt, nhất là đối với bệnh đạo ôn và khô vằn. Đây cũng là giống lúa đẻ nhánh rất khỏe, nhất là ở các chân đất vàn thấp, cây cao nhưng rất cứng cây nên dù ảnh hưởng của cơn bão số 10 vừa qua nhưng lúa vẫn đứng vững, không bị ngã đổ. Về chất lượng gạo, Kim Cương 111 có dạng hạt dài, cơm dẻo, đậm, hoàn toàn thích hợp để SX gạo hàng hóa. Theo Cty Cổ phần Giống cây trồng TƯ (đơn vị phân phối giống Kim Cương 111), Cty có nhu cầu thu mua để SX gạo hàng hóa đối với các diện tích Kim Cương 111 được SX theo cánh đồng mẫu lớn nếu người dân có nhu cầu bán. |