Bạn nhà nông
HƯỚNG DẪN GIEO TRỒNG GIỐNG LÚA THUẦN CHẤT LƯỢNG DỰ HƯƠNG 8
14/04/2018
Là giống lúa thuần chất lượng, năng suất cao do Công ty Cổ phần Giống cây trồng Trung ương chọn tạo.
I. NGUỒN GỐC: Là giống lúa thuần chất lượng, năng suất do Vinaseed group chọn tạo.
II. ĐẶC TÍNH GIỐNG
- Là giống cảm ôn, gieo trồng được cả hai vụ.
- Thời gian sinh trưởng: Khu vực Bắc Bộ vụ Xuân 125-130 ngày; vụ Mùa 100 - 105 ngày (nếu gieo sạ thời gian sinh trưởng rút ngắn 5-7 ngày). Khu vực Bắc Trung Bộ thời gian rút ngắn 3-5 ngày so với khu vực Bắc Bộ. Khu vực Nam Trung Bộ vụ Đông xuân 105 - 110 ngày; vụ Hè thu 95 - 100 ngày (nếu gieo sạ thời gian sinh trưởng rút ngắn 5-7 ngày). Khu vực Tây Nguyên 110-115 ngày; vụ Hè thu 95-98 ngày. Khu vực Nam bộ vụ Đông xuân, Hè thu, Thu đông 100-105 ngày (nếu gieo sạ thời gian sinh trưởng 93-95 ngày)
- Cao cây 95-100 cm, đẻ nhánh khá. Bộ lá phẳng, xanh nhạt, hạt thon dài, màu vàng sáng. Khối lượng 1000 hạt 24-25 gram. Gạo trong không bạc bụng, cơm trắng bóng, dẻo, vị đậm, có mùi thơm nhẹ.
- Năng suất trung bình 6,0 – 6,5 tấn/ha, thâm canh tốt đạt 7,0 – 7,5 tấn/ha.
- Nhiễm nhẹ một số loại sâu bệnh hại chính (đạo ôn, bạc lá, rầy nâu,..), chịu thâm canh, cứng cây chống đổ khá.
III. YÊU CẦU KỸ THUẬT
- Chân đất: Thích hợp loại đất chân vàn, vàn cao.
- Thời vụ: Theo hướng dẫn mỗi địa phương, có thể tham khảo lịch thời vụ sau:
Khu vực Bắc Bộ: vụ Xuân gieo 20/1-10/2, gieo mạ dày xúc hoặc mạ nền, cấy tuổi mạ 3-3,5 lá; nếu gieo mạ dược (cấy tuổi mạ 4-4,5 lá); vụ Mùa gieo trong tháng 6, cấy tuổi mạ 12-15 ngày.
Khu vực BắcTrung bộ: vụ Xuân gieo 10/1 – 31/1 gieo mạ dày xúc hoặc mạ nền, cấy tuổi mạ 3-3,5 lá; nếu gieo mạ dược (cấy tuổi mạ 4-4,5 lá); vụ Hè thu gieo 15/5-5/6, cấy tuổi mạ 12-15 ngày.
Khu vực Nam Trung bộ: vụ Đông xuân gieo sạ 20/12-15/1; vụ Hè thu gieo sạ10/5-10/6.
Khu vực Tây Nguyên: vụ Đông Xuân gieo gieo sạ 15/11- 15/12; vụ Hè thu gieo sạ 1/5-25/5.
Khu vực Nam bộ: vụ Đông xuân gieo sạ 10-20/12; vụ Hè thu gieo sạ 10/5-20/5; vụ Thu đông gieo sạ 10/9-20/9.
- Mật độ cấy: 45-50 khóm/m2, cấy 2- 3 dảnh/khóm, cấy nông tay.
- Sạ giống: Đối với các tỉnh miền Bắc: 40-45 kg/ha; đối với các tỉnh miền Trung và miền Nam: 80-100 kg/ha.
- Phân bón:
*Đối với lúa gieo sạ: Tùy theo vùng đất và mùa vụ, có thể bón cho 1 ha 150 kg Urea + 100 kg DAP + 100 kg KCl chia ra như sau:
- Bón lót (ngay trước khi sạ lúa, có kéo ván để lấp phân): 50 kg DAP
- Bón thúc 1 (7 – 8 ngày sau sạ): 50 kg DAP + 30 kg Urea
- Bón thúc 2 (18 – 20 ngày sau sạ): 60kg Urea + 40 kg KCl
- Bón đón đòng (35 – 38 ngày sau sạ): 30 kg Urea + 30 kg KCl/ha.
- Bón nuôi hạt (sau khi lúa trổ đều 5 – 7 ngày cần bón nuôi hạt để lúa tăng tỉ lệ hạt chắc, lượng phân như sau): 30 kg Urea + 30 kg KCl/ha.
*Đối với lúa cấy: Khuyến cáo sử dụng phân bón tổng hợp NPK. Lượng bón tùy theo loại đất, trên chân đất trung bình bón:
+ Đối với phân tổng hợp NPK Lâm Thao:
- Bón lót (trước khi bừa cấy): Bón 7-8 tấn phân hữu cơ (hoặc 1200-1500 kg phân vi sinh) + 560-700 kg/ha phân NPK (5:10:3).
- Bón thúc (khi lúa bén rễ hồi xanh): Bón 220-250 kg/ha phân NPK (12:5:10) + 30 kg phân đạm urê, kết hợp làm cỏ sục bùn
-Bón thúc (khi lúa đứng cái): Bón 200 kg/ha phân NPK (12:5:10).
+ Đối với phân đơn:
- Lượng bón cho 1 ha: Vụ Xuân7 - 8 tấn phân hữu cơ (hoặc 1200 – 1500 kg phân vi sinh) + 200 - 220 kg đạm Urê + 450- 500 kg Super lân + 140-160 kg Kaliclorua. Vụ Mùa, Hè thu giảm 10% lượng đạm, tăng 15% kali so với vụ Xuân.
- Cách bón:Bón lót (trước khi bừa cấy) toàn bộ phân hữu cơ (hoặc phân vi sinh), phân lân + 40% phân đạm + 20% phân kali; bón thúc lần 1 (khi lúa bén rễ hồi xanh): 50% phân đạm + 30% phân Kali; bón thúc lần 2 (khi lúa đứng cái) bón lượng phân còn lại.
- Chăm sóc:
+Đối với lúa gieo sạ: Theo dõi phòng trừ ốc bươu vàng. Phun thuốc Sofit trừ cỏ dại. Cấy dặm để bảo đảm mật độ. Giữ đất ẩm trong vòng 3-5 ngày sau khi sạ, sau đó cho nước nào đều khắp ruộng 3-5 cm khi lúa giáp tán, sau đó áp dụng chế độ tưới ngập-khô xen kẽ đến lúa bắt đầu trổ, khi lúa vàng đuôi tháo cạn nước.
+Đối với lúa cấy: Giữ đủ nước, tỉa dặm kịp thời, bón thúc sớm cho lúa đẻ sớm, đẻ tập trung, phát triển cân đối, có nhiều bông hữu hiệu, hạn chế sâu bệnh.
- Phòng trừ sâu bệnh: Thường xuyên kiểm tra các loại sâu bệnh, phát hiện sớm và phòng trừ kịp thời theo hướng dẫn của cơ quan Bảo vệ thực vật địa phương.
- Thu hoạch: Gặt lúa vừa độ chín, phơi nắng nhẹ, không phơi quá mỏng, để đảm bảo chất lượng của giống.
* Lưu ý: - Thời vụ gieo cấy tùy theo lịch thời vụ của mỗi địa phương.
- Nếu sử dụng phân tổng hợp NPK khác, bón theo hướng dẫn trên bao bì.