Bạn nhà nông
Hạt mùa sau
08/06/2015
Tập trung vào hoạt động nghiên cứu phát triển cùng với chiến lược mua lại và sáp nhập, Vinaseed đang nhắm đến vai trò định thướng thị trường nông nghiệp.
Bà Trần Kim Liên được cho là đi đầu trong việc tạo thị trường mua bán giống có bản quyền. |
Trong các chuyến công tác, bên cạnh làm việc với bộ phận sản xuất của công ty ở Tây Ninh và đồng bằng sông Cửu Long, bà Liên còn khảo sát các vùng nguyên liệu, xây dựng các mô hình và tổ chức sản xuất tại khu vực phía Nam. Vinaseed, doanh nghiệp chiếm 15% thị phần giống lúa của cả nước, đang nhắm đến thị trường miền Nam, miền Trung Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung Bộ. Bà Liên cho biết việc mua lại và nâng tỉ lệ sở hữu ở các doanh nghiệp giống địa phương được xem là lời giải cho bài toán mở rộng thị trường. “Kinh doanh giống cây trồng thì phải có đất,” bà nói. “Thành lập công ty ở một tỉnh nào đấy thì đơn giản nhưng tìm được cơ sở vật chất, hệ thống đất đai tại đó để duy trì chọn tạo giống là vô cùng phức tạp.”
11 năm sau cổ phần hóa, dưới sự lãnh đạo của bà Liên, Vinaseed từ một đơn vị không có thế mạnh về khoa học công nghệ trở thành công ty được Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận là doanh nghiệp khoa học công nghệ đầu tiên trong ngành giống cây trồng Việt Nam. Doanh thu từ các sản phẩm giống có hàm lượng công nghệ cao chiếm 52% doanh thu. Họ chiếm 15% thị phần về giống lúa, 10% về bắp và 4% về giống rau. Từ một doanh nghiệp phải thế chấp kho hạt giống để vay vốn ngân hàng, Vinaseed tích lũy vốn để năm 2014 có thể chi gần 380 tỉ đồng cho hoạt động mua bán và sáp nhập doanh nghiệp.
719TỈ ĐỒNG
Là doanh thu Vinaseed trong năm 2014,
lợi nhuận sau thuế đạt 124 tỉ đồng
Báo cáo tài chính năm 2014 cho thấy, doanh thu của Vinaseed đạt 719,1 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 124 tỉ đồng. Độ phủ của Vinaseed rộng khắp cả nước nhờ việc nắm ba công ty con từ Bắc vào Nam là công ty cổ phần Giống cây trồng Hà Tây, công ty cổ phần Giống Nông Lâm Nghiệp Quảng Nam và mới đây nhất là SSC.
SSC có cơ sở vật chất “đáng mơ ước”, bà Liên nhấn mạnh vậy và cho đó là lý do công ty bỏ ra 559 tỉ đồng trên tổng số 659 tỉ đầu tư cho hoạt động M&A giai đoạn 2009 – 3.2015, trong đó có việc sở hữu 61,4% vốn điều lệ của SSC. Công ty này hiện đang sở hữu quỹ đất và có các cơ sở nghiên cứu rất lớn. “Bình thường nếu không tiến hành M&A, sẽ rất khó để Vinaseed có được cơ sở như thế cho việc quảng bá thương hiệu tại địa bàn phía Nam,” bà Liên nói.
Là đầu vào quan trọng trong ngành nông nghiệp, lĩnh vực giống cây trồng Việt Nam chỉ mới phát triển trong vòng 20 năm trở lại đây khi nông dân chịu mua giống chất lượng, năng suất cao thay vì giữ giống của mùa vụ trước để tiết kiệm chi phí. Thị trường giống có khoảng hơn 250 công ty đang hoạt động nhưng 90% có quy mô vốn chỉ dưới 10 tỉ đồng. Đa số hoạt động theo hướng thương mại hơn là nghiên cứu, sản xuất giống do không đủ vốn cũng như trình độ kỹ thuật công nghệ để tự lai tạo và sản xuất giống. Chỉ một số ít công ty có năng lực nghiên cứu phát triển (R&D), trong đó có Vinaseed.
Đầu tư vào R&D đang giúp Vinaseed tạo ra những sản phẩm mang lại giá trị cao. Bà Liên cho biết, hằng năm Vinaseed dành 5% doanh thu cho đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật và R&D. Công ty hiện sở hữu hai trung tâm nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật thuộc loại bậc nhất thị trường tại Ba Vì (Hà Nội) và Khoái Châu (Hưng Yên). Trong 5 năm từ 2010 – 2014, công ty nghiên cứu chọn tạo chuyển giao thành công trên 30 giống mới các loại. Tính riêng năm 2014, trong bốn giống mới được bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận, Vinaseed có hai giống là: giống lúa Thụy Hương 308 và giống lúa Thiên Ưu 8. So với giống lúa lai, giá giống thuần của Vinaseed chỉ bằng khoảng một phần ba mà năng suất tương đương. Đây là giống lúa mà công ty coi là chìa khóa để mở rộng thị trường vào phía Nam.
Năm 2004, sau khi công ty cổ phần hóa và đổi tên thành công ty cổ phần Giống Cây trồng Trung ương, bà Liên giữ chức Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc. “Lúc đó thực sự rất khó khăn”, bà Liên kể về chặng đường 10 năm đã qua của Vinaseed. Trên sổ sách, công ty khi bà tiếp nhận có vốn chủ sở hữu 13,5 tỉ đồng nhưng chỉ có 5 tỉ vốn bằng tiền và còn lại là nợ khó đòi. Để vay được 700 triệu đồng từ ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank), công ty phải thế chấp kho giống. Mỗi khi xuất hàng, phải có nhân viên ngân hàng xuống mở khóa. Mỗi tháng, lấy mẫu sản phẩm theo quy định về bảo quản giống, bà Liên lại phải nhờ cậy bên ngân hàng để họ mở cửa kho. “Chính kỷ niệm gian khó gắn với ngân hàng giải thích cho việc gần 10 năm sau, Vinaseed không đi vay một đồng nào dù công ty được đánh giá tín dụng tốt và nhiều ngân hàng tự tìm đến,” bà Liên hồi tưởng.
Sáu tháng đầu cầm quân Vinaseed được xem là khoảng thời gian hết sức bận rộn của bà Liên. Công ty mới tiến hành cổ phần hóa, đội ngũ nhân sự chưa quen với lề lối làm việc mới, chưa kể lòng tin của họ xuống rất thấp do các lãnh đạo trước đó dính vào vòng lao lý. Việc đầu tiên của bà Liên là xây dựng hệ thống quy chế hoạt động, trong đó quy định cụ thể và minh bạch chức năng nhiệm vụ của các bộ phận phòng ban cũng như đánh giá và quản lý người lao động theo mục tiêu công việc. Kế đến, bà thuê tư vấn bên ngoài để xây dựng lại bảng lương, cách chi trả lương dựa trên năng lực, thay vì dựa trên thâm niên như cách cũ. Sau vài tháng, những người có thâm niên nhưng năng lực không phù hợp tự xin nghỉ. “Lòng tin của người lao động dần được ổn định do họ được quản lý dựa trên mục tiêu công việc và được trả lương một cách minh bạch và theo năng lực”, bà Liên nói.
Bước tiếp theo, Vinaseed mua chương trình quản trị tài chính của nước ngoài để áp dụng quản lý hoạch định nguồn vốn của công ty. Từ đó, việc hoạch định dòng tiền của Vinaseed được thực hiện chi tiết theo từng tháng. “Cách đây 10 năm, ít người dám bỏ tiền ra thuê tư vấn bên ngoài để làm bảng lương và quản lý tài chính”, bà Liên nói, cho rằng mình là người chấp nhận sự thay đổi. “Sau 6 tháng thực tế, nếu thấy việc mình làm chưa hiệu quả ở đâu thì sửa nhưng nếu không dám làm thì chẳng bao giờ biết mình sai cả”. Sau ba năm, bộ máy của Vinaseed vận hành suôn sẻ, các tiếng nói ban đầu phản đối bà Liên cũng không còn nữa. Năm 2006, công ty chính thực niêm yết trên thị trường chứng khoán TP.HCM (HOSE).
BÀ LIÊN ĐƯỢC NHẮC ĐẾN LÀ NGƯỜI TIÊN PHONG TRONG VIỆC mua bản quyền, góp phần hình thành nên thị trường bản quyền giống cây trồng. Nhà khoa học nếu có giống tốt có thể chuyển nhượng hay cho công ty thuê bản quyền hoặc có thể dùng bằng sáng chế để góp vốn vào công ty. Hiện nay, các sản phẩm có hàm lượng khoa học công nghệ cao đóng góp tới 52% doanh thu của Vinaseed. Bà Liên cho rằng thế mạnh của công ty chính là xuất phát từ các nhà khoa học. Vinaseed hiện thu hút tám Giáo sư đầu ngành về nghiên cứu giống. Bản thân trong đội ngũ nghiên cứu có cả thực tập sinh đến từ Israel, cường quốc khoa học nông nghiệp của thế giới.
QUẢ NGỌT VINASEED Vinaseed còn tiềm năng phát triển ở đất nước đứng thứ nhì thế giới về xuất khẩu lúa gạo |
Giải thích lý do Pan Pacific đầu tư và đều đặn nâng tỉ lệ sở hữu tại Vinaseed, bà Lê Thị Lệ Hằng, thành viên hội đồng quản trị của Pan Pacific, đại diện vốn tại Vinaseed nhận xét: “Tiềm năng tăng trưởng của thị trường giống cao và hiện tại Vinaseed là một trong những công ty có khoảng 14% thị phần của thị trường.
Vinaseed cũng là công ty có thị phần cao trong giống lúa thuần và giúp cho công ty có biên lợi nhuận cao, với nhiều giống độc quyền.” Theo bà Hằng, sắp tới đây, Vinaseed sẽ đẩy mạnh phát triển mảng giống rau và đây là một trong những thị trường tiềm năng để tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu.
Bà Liên cho rằng, việc tăng sở hữu của Pan Pacific tại Vinaseed là hoàn toàn bình thường khi toàn bộ cổ phiếu công ty niêm yết và được giao dịch trên thị trường. “Pan Pacific có tỉ lệ sở hữu cao như vậy nhưng không hề can thiệp vào chiến lược phát triển công ty. Bởi bất cứ nhà đầu tư nào cũng cần hiệu quả và Vinaseed đang hoạt động hiệu quả”, bà Liên diễn giải.
SSI và PAN tăng lượng cổ phiếu năm giữ của Vinaseed hồi cuối năm 2013. Đại hội cổ đông bất thường của Vinaseed thông qua phương án tăng vốn từ 100 tỉ đồng lên 152,5 tỉ đồng, với giá phát hành cho cổ đông hiện hữu là 65 ngàn đồng/cổ phiếu. Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) nắm hơn 1,1 triệu cổ phiếu tương đương tỉ lệ hơn 11%, nếu tham gia đợt phát hành, SCIC sẽ phải chi 36 tỉ đồng. Kết quả là SCIC đăng ký bán hết cổ phiếu tại Vinaseed.
Việc SCIC phải thoái vốn đã tạo điều kiện cho các nhóm cổ đông nâng tỉ lệ sở hữu tại Vinaseed. Đáng chú ý, Pan Pacific khi đó, mới nâng tỉ lệ nắm giữ tại Vinaseed từ 4,98% lên 5,12% và trong vòng hơn một năm sau đó đã nâng tỉ lệ này lên 57,86%. Làm được điều này là do cổ đông sáng lập công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), với chủ trương đầu tư lâu dài vào nông nghiệp, chuyển cổ phiếu đang năm giữ cho Pan Pacific.
Năm nay 57 tuổi, bà Liên trả lời điện thoại và xử lý email công việc rất nhanh. Nói chuyện quyết đoán và giầu tính thuyết phục nhưng bà khá kín tiếng khi chia sẻ về cá nhân. Sinh ra tại Ninh Bình, tốt nghiệp đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội năm 1980, bà Liên được giữ lại trường, chuyên giảng dạy về tổ chức quản lý xí nghiệp. Học về kinh tế, bà Liên lại gắn bó với lĩnh vực nông nghiệp khi bà được phân công về các công ty thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn như xí nghiệp Nông công nghiệp Đồng Giao hay công ty Vât tư và Xuất Nhập khẩu thuộc Tổng công ty Rau Quả Việt Nam. Năm 2001, bà được phân công làm Phó giám đốc công ty Giống Cây trồng TW1, tiền thân của Vinaseed bây giờ.
Bà Hằng (PAN) đánh giá thuyền trưởng của Vinaseed là người quyết đoán và có một phong cách quản lý mở. “Quan điểm của bà Liên là ‘dân có giàu thì nước mới mạnh’ nên rất chú trọng đến đời sống của cán bộ công nhân viên cũng như tạo nên một môi trường làm việc năng động. Mọi ý kiến của người lao động đều có thể gửi tới CEO,” bà Hằng nói. “Tuy nhiên bà Liên cũng là một người rất nghiêm khắc nên cơ chế thưởng phát rất rõ ràng trong kinh doanh và sản xuất”.
Vinaseed đang đặt mục tiêu nâng tổng thị phần lên 18% trong năm 2016. Họ vẫn còn nhiều việc phải làm. Có ưu thế về giống lúa, nhưng giống bắp lai F1 và rau vẫn còn khiêm tốn, với thị phần lần lượt là 10% và 4%. Khi hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký và cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được hình thành vào cuối năm 2015, Vinaseed sẽ phải cạnh tranh với các tập đoàn xuyên quốc gia.
Khẳng định sẽ dùng sản phẩm chủ lực của công ty là giống ngô thực phẩm để cạnh tranh với các tập đoàn đa quốc gia ở phân khúc cao cấp, bà Liên cũng chỉ ra một mảng thị trường ngách, một phân khúc thấp hơn mà Vinaseed nhắm tới.
“Công ty đang nghiên cứu cho ra các giống ngô ngọt, ngô rau, ngô nếp để phục vụ công nghiệp chế biến. Đây là mảng mà dư địa thị trường cho phát triển còn rất lớn”, bà nói, và cho rằng đây là lúc Vinaseed cần thể hiện vai trò người “dẫn dắt” thị trường, đón đầu các xu thế để tạo sự khác biệt.
Trong tương lai gần, Vinaseed đang có cơ hội khi các công ty lớn trong nước như Hoàng Anh Gia Lai, Vingroup, Hòa Phát đầu tư vào nông nghiệp. Với kinh nghiệm về thị trường, kinh nghiệm về tổ chức quản trị và tiềm lực về vốn, các doanh nghiệp Việt Nam được kỳ vọng sẽ từng bước xây dựng nên các mô hình điểm về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này vẫn trong giai đoạn bắt đầu nên sẽ khó có thể sản xuất trên quy mô lớn thực sự, bà Liên phân tích, dẫn chứng bằng việc Vingroup đầu tư, trồng rau sạch tại tỉnh Vĩnh Phúc. “500 héc ta vẫn là một con số khiêm tốn trong nông nghiệp nên có thể khẳng định các mô hình làm nông nghiệp vừa và nhỏ sẽ có nhiều đất sống trên thị trường,” bà nói. “Và chắc chắn, Vinaseed có thể tham gia vào chuỗi hoạt động của các doanh nghiệp này bằng cách cung cấp đầu vào hoặc đầu ra”.
Nguồn: (Bằng Nguyễn, Hà Nguyên - Tạp chí Forbes Việt Nam – Tháng 6/2015)