Bạn nhà nông
Giáo sư, Viện sĩ, TSKH Trần Đình Long: Người viết tên mình bằng hạt giống Việt, mang đến giống cây tốt nhất cho nông dân
10/04/2025
Trong số 6 nhà khoa học Việt Nam được Viện Hàn lâm Khoa học Nga (RAS) vinh danh năm 2024, có một cái tên đã trở nên thân thuộc với nền nông nghiệp nước nhà – GS.VS.TSKH Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam. Suốt hơn nửa thế kỷ, ông đã lặng lẽ gieo những hạt mầm khoa học trên từng cánh đồng, tận tụy nghiên cứu để mang đến những giống cây tốt nhất cho người nông dân. Không chỉ là một nhà khoa học, ông còn là người bạn tri kỷ của nhà nông, được bà con trìu mến gọi bằng những cái tên thân thuộc: "Viện sĩ của nhà nông", "ông Cỏ Ngọt".
Ngày xuân khẽ gõ cửa, mang theo những cơn mưa bụi lất phất như tấm voan mỏng vương trên từng nhành cây, kẽ lá. Làn gió se lạnh thoảng qua, phả hơi ẩm lên những mái hiên, gợi lên cảm giác bình yên của đất trời giao mùa. Trong tiết trời dịu nhẹ ấy, tôi may mắn có dịp ghé thăm nhà Giáo sư Trần Đình Long – một trong những "cây đại thụ" của ngành nông nghiệp Việt Nam. Bên chén trà nóng tỏa hương ngan ngát, câu chuyện về cuộc đời và sự nghiệp của vị giáo sư đáng kính, người đã dành trọn tâm huyết cho nền nông nghiệp nước nhà, cứ thế dần mở ra…
Giáo sư Trần Đình Long lớn lên trong một gia đình nghèo khó, cha mẹ ông là những người nông dân chân chất. Cũng từ những ngày thơ bé, tình yêu với đất đai, với cây cối đã ngấm vào ông như một lẽ tự nhiên. Chính tình yêu ấy đã dẫn lối ông chọn theo ngành nông nghiệp, mong muốn đem tri thức khoa học giúp bà con quê mình bớt vất vả.
Năm 1967, ông trở thành người Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp Cử nhân Sinh học với bằng tốt nghiệp loại ưu tại Đại học Tổng hợp Quốc gia Kishinev (Liên Xô). Sau đó, năm 1983, ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ khoa học ngành Sinh học. Đến năm 1993, ông được trao bằng Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Nông nghiệp toàn Liên bang Nga và được phong hàm Giáo sư Nông nghiệp chuyên ngành Di truyền chọn giống cây trồng vào năm 2002. Đặc biệt, ông là một trong ba Viện sĩ của Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp.
Suốt gần một đời tận hiến, ông đã lai tạo thành công 27 giống cây trồng mới, trong đó có 9 giống đậu tương, 6 giống lạc, 4 giống đậu xanh, giống lúa VX83, giống Đại mạch Api, 2 giống Hướng dương, giống Vừng V6, giống khoai lang VX37, giống cỏ ngọt ST88, ST77… Các giống này hiện đang được phát triển trong sản xuất trên hầu hết các vùng sinh thái của nước ta. Những giống cây này đã giúp tăng thu nhập cho nông dân từ 15 - 20% so với giống cũ, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Đặc biệt, hai giống Lạc L23 và Đậu tương ĐT26 đã được cấp bằng bảo hộ quyền tác giả – một dấu ấn tự hào cho khoa học nông nghiệp nước nhà.
Không chỉ say mê nghiên cứu, ở tuổi 85, GS.VS Trần Đình Long còn dành nhiều tâm huyết để viết sách, truyền lại kiến thức quý báu cho thế hệ sau. Có lẽ, chừng nào đôi chân ông còn vững vàng trên ruộng đồng, chừng nào ánh mắt còn ánh lên niềm say mê, thì hành trình cống hiến ấy vẫn chưa dừng lại. Bởi như chính ông từng tâm sự: "Còn sức, tôi còn làm, còn cống hiến."
Tháng 11/2024, GS.VS. Trần Đình Long vinh dự được Tổng Bí thư Tô Lâm; Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trao tặng Giấy chứng nhận và Biểu trưng tôn vinh cá nhân điển hình tiêu biểu toàn quốc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Thưa Giáo sư Trần Đình Long, nhà văn Samuel Johnson từng nói: "Đấu tranh với nghịch cảnh và chinh phục chúng là hạnh phúc lớn nhất của con người", nhìn lại chặng đường của mình, hẳn ông đã trải qua không ít khó khăn để đi đến thành công hôm nay?
- Đúng vậy! Chính những thử thách khắc nghiệt đã hun đúc ý chí vươn lên. Tôi sinh ra ở Phú Thọ trong một gia đình nghèo, việc học hành vô cùng gian nan. Gia đình chỉ có thể chu cấp một bao gạo mỗi tuần, còn lại tôi phải tự lo liệu. Thời ấy, muốn học cấp ba, tôi phải lên tận vùng đồi gò xa xôi, nơi duy nhất có Trường cấp 3 Hùng Vương – ngôi trường hiếm hoi của cả tỉnh miền Bắc thời kháng chiến.
Xa nhà, tự lập từ sớm, tôi luôn khắc sâu một điều, chỉ có học mới thay đổi được cuộc đời. Chính sự khát khao tri thức đã giúp tôi vượt qua mọi gian khó, để sau này có thể góp phần nhỏ bé vào sự phát triển của khoa học nông nghiệp nước nhà.
Tôi nhớ, nạn đói năm 1945 cướp đi sinh mạng của hàng triệu người dân Việt Nam. Trước Đổi mới 1986, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu lương thực, nhưng hơn 30 năm qua, chúng ta đã có một bước chuyển mình kỳ diệu.
GS.VS Trần Đình Long và những thành tựu khoa học của mình Ảnh: NVCC.
Hôm nay, Việt Nam không chỉ tự túc mà còn xuất khẩu hơn 9 triệu tấn gạo mỗi năm, mang gần 5,8 tỷ USD. Đặc biệt, giá trị gạo Việt Nam ngày càng cao, có những loại vượt cả gạo Thái Lan. ST25 từng được vinh danh gạo ngon nhất thế giới, gạo thơm Đài Thơm, OM18, "Cơm Vietnam" đã xuất hiện tại EU, Mỹ, Nhật Bản với giá hơn 1.000 USD/tấn.
Nhưng nông nghiệp Việt Nam không chỉ có gạo. Năm qua, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản đã đạt 62,5 tỷ USD, với nhiều mặt hàng như rau quả, cà phê, điều, hồ tiêu, cá tra, tôm,... Đây là kết quả của sự phối hợp giữa nông dân, nhà khoa học, doanh nghiệp và chính sách của Nhà nước. Trong đó, giống cây trồng, vật nuôi đóng vai trò quyết định.
Tuy nhiên, dù đã đạt nhiều thành tựu, tôi vẫn trăn trở: nông nghiệp Việt Nam chưa phát triển xứng tầm. Xuất khẩu mạnh nhưng phần lớn nông dân hưởng lợi ít, thu nhập còn thấp. Chúng ta chưa thực sự làm chủ công nghệ sau thu hoạch, chế biến sâu, sản xuất vẫn nặng tính nhỏ lẻ. Muốn nâng cao giá trị nông sản, cần tái cơ cấu sản xuất, áp dụng công nghệ cao, tổ chức theo chuỗi giá trị bền vững.
”Bác Hồ đã dạy vừa có tài, vừa có đức, vừa hồng, vừa chuyên, lúc nào cũng lấy dân làm gốc. Tư tưởng này đã thấm trong tôi, làm bất cứ cái gì đều lấy cái tâm làm gốc, khi mình làm vì người khác, mình sẽ cảm thấy hạnh phúc”, GS.VS.TSKH Trần Đình Long nói.
Ví dụ, tại Đồng bằng sông Hồng, nếu chỉ trồng lúa, ngô thì thu nhập thấp, đất đai ngày càng thoái hóa. Nhưng nếu kết hợp trồng cây vụ đông như đậu tương, lạc, đậu xanh… sẽ tạo giá trị kinh tế cao hơn rất nhiều. Một ha đậu tương, nếu chỉ bán hạt, thu nhập khoảng 40 triệu đồng. Nhưng nếu chế biến thành sữa đậu nành, giá trị có thể tăng gấp 10 lần, lên đến 400 triệu đồng. Quan trọng hơn, đậu tương còn giúp cải tạo đất, tiết kiệm phân bón cho vụ sau.
Tương lai của nông nghiệp Việt Nam không chỉ là sản xuất nhiều, mà phải sản xuất thông minh. Chúng ta cần tập trung vào giống chất lượng cao, công nghệ chế biến sâu, xây dựng thương hiệu quốc gia. Đặc biệt, chính sách phải đảm bảo nông dân không chỉ là người sản xuất, mà còn thực sự hưởng lợi từ giá trị gia tăng của nông sản. Đó mới là con đường giúp nền nông nghiệp Việt Nam vươn xa hơn trên thị trường quốc tế.
Thưa Giáo sư, được cử đi du học ở Nga vào thời điểm đất nước còn nhiều khó khăn hẳn là một bước ngoặt lớn. Trong những năm tháng học tập nơi xứ người – điều gì đã thôi thúc ông nghĩ về quê hương, và ông đã hình dung mình sẽ đóng góp như thế nào cho nền nông nghiệp Việt Nam ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường?
- Khi đến Nga, tôi và các bạn đồng hành đều được đào tạo rất bài bản, với một nền kỷ luật nghiêm ngặt. Khi nghĩ rằng mình được học tập và nghiên cứu tại một quốc gia có nền khoa học phát triển, tôi luôn tự hỏi mình cần phải làm gì để mang những kiến thức, kinh nghiệm ấy về phục vụ cho đất nước. Và ngay từ những ngày đầu, tôi đã nghĩ về việc lựa chọn những đề tài nghiên cứu có thể giúp ích cho quê hương.
Tổng thống Nga Vladimir Putin chụp ảnh cùng GS.VS Trần Đình Long và các đại biểu quốc tế tại Nhà Liên bang Liên Xô cũ (Federal House of USSR) ở Moscow, ngày 14/5/2003. Ảnh do báo chí tổng thống ghi lại.
Lúc đầu, tôi tham gia nghiên cứu về cây lạc, một loài cây quen thuộc ở Việt Nam. Ở Việt Nam, chúng ta gọi nó là củ, nhưng tại Nga, người ta lại gọi đó là quả. Vì lạc ra hoa trên mặt đất, sau đó mới chui xuống đất để phát triển thành hạt. Chính vì thế, người ta coi lạc là quả, không phải củ. Sự khác biệt này làm tôi càng thêm đam mê nghiên cứu.
Và tôi quyết định chọn cây đậu đỗ – đặc biệt là đậu tương và lạc, những cây họ đậu nhiệt đới. Đây là những giống không chỉ quan trọng về mặt thực phẩm mà còn có khả năng cải tạo đất. Khi tôi sang Nga, tôi nhận thấy đất ở đây khá màu mỡ, nhưng ở Việt Nam, đất nhiệt đới lại thường xuyên bị xói mòn và rửa trôi. Cây đậu đỗ không chỉ giúp thu hoạch mà còn giúp làm giàu chất đạm trong đất, cải thiện sự màu mỡ cho đất đai
Tôi biết rằng mình cần nghiên cứu những loài cây có thể đóng góp trực tiếp cho nông nghiệp và môi trường của đất nước mình. Và dù lúc đó chưa thể biết chính xác mình sẽ làm được gì, nhưng tôi đã tin rằng đó là con đường đúng đắn.
Trong hành trình làm khoa học dài hơn nửa thế kỷ của mình, chắc hẳn Giáo sư đã trải qua không ít những bước ngoặt đặc biệt. Có kỷ niệm nào, dù nhỏ bé hay lớn lao, đã khiến Giáo sư nhận ra: "Đây chính là lý do mình chọn con đường này"?
- Tôi có hai kỷ niệm rất đáng nhớ. Kỷ niệm đầu tiên là khi tôi còn ở Liên Xô, làm Tiến sĩ khoa học. Lúc đó, tôi cần vàng để phủ lên mẫu vật phục vụ cho thí nghiệm kính hiển vi điện tử. Tuy nhiên, vì không có đủ tiền nên tôi đã được bà vợ của thầy hướng dẫn tôi, Viện sĩ Thông Tấn, giúp tôi bằng cách cho tôi chiếc nhẫn vàng của bà để lấy vàng phủ lên mẫu vật. Đó là một kỷ niệm rất sâu sắc, bởi trong khoa học, đôi khi chúng ta gặp phải những khó khăn mà không thể tự mình giải quyết. Nhờ sự giúp đỡ từ những người xung quanh mà tôi đã vượt qua được. Chính sự giúp đỡ ấy đã giúp công trình của tôi thành công, và cả đời này tôi sẽ không bao giờ quên.
Kỷ niệm thứ hai diễn ra vào năm 1983, khi tôi trở về nước sau 15 năm giảng dạy và bắt đầu con đường khoa học chính thức. Lúc đó, có một chương trình hợp tác giữa Liên Xô và Việt Nam nhằm cung cấp nguồn gen cây trồng quốc tế cho Việt Nam. Tôi được giao phụ trách Trung tâm Giống Cây Trồng Việt - Xô (hay Việt - Nga lúc bấy giờ).
Vào năm 1988, cụ Võ Nguyên Giáp đã mang về một giống cây rất quý từ châu Mỹ – cây cỏ ngọt (còn gọi là cây cúc ngọt hay cây cỏ mật). Đây là một loài cây đặc biệt, có vị ngọt gấp 300 lần đường mía, nhưng lại không gây tăng đường huyết, vì thế rất có lợi cho người mắc bệnh tiểu đường.
Kỷ niệm sâu sắc của tôi là khi cụ Võ Nguyên Giáp giao cho Bộ Nông nghiệp, và Bộ Nông nghiệp đã tin tưởng giao lại cho tôi quản lý việc phát triển giống cây này. Đến năm 1995, giống cây cỏ ngọt này được công nhận là giống quốc gia. Đó là một mốc quan trọng trong sự nghiệp của tôi, và tôi sẽ mãi nhớ hình ảnh cùng cụ Võ Nguyên Giáp xem cây cỏ ngọt phát triển tại Việt Nam.
Vào năm 1988, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã mang về một giống cây rất quý từ châu Mỹ, đó là cây cỏ ngọt (còn gọi là cây cúc ngọt hay cây cỏ mật).
Từ cây cỏ ngọt duy nhất này, sau 5 năm phân lập, nuôi cấy mô, nhân giống, tôi cho ra đời được giống cỏ ngọt ST88. Giống cỏ này được công nhận giống quốc gia năm 1995.
Khi đó, nhiều nông dân ở Bắc Giang, Hưng Yên, Bắc Ninh... mua được đài cassette, vô tuyến nhờ trồng cỏ ngọt. Nhiều cán bộ trong Viện Khoa học Nông nghiệp của tôi cũng có thu nhập cao hơn lương nhờ trồng cỏ ngọt, bán giống lại cho nông dân.
Sau này, các giống cỏ ngọt ST99, ST77 cũng ra đời trên nền tảng nghiên cứu giống cỏ ngọt đầu tiên, với lượng đường tăng cao hơn khoảng 25%. Hiện giống này được người nông dân trồng chủ yếu cung cấp làm nguyên liệu cho thuốc Đông y. Tôi tin rằng cây cỏ ngọt không chỉ mang lại lợi ích kinh tế ngay lập tức mà còn có tiềm năng rất lớn nếu chúng ta tiếp tục đầu tư vào chế biến tinh chế. Đây là một cây trồng có giá trị kinh tế cực kỳ cao.
Giáo sư đã và đang đồng hành cùng bà con nông dân để thực hiện những đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp. Vậy theo ông, yếu tố nào là quyết định giúp nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững và có vị thế vững chắc trên thế giới, đặc biệt khi Đảng ta đã khẳng định sự cần thiết phải tạo đột phá trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo?
- Nông nghiệp là một lĩnh vực đặc thù, phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Sáng tạo trong nông nghiệp không hề đơn giản, mà đòi hỏi kiên trì và sự phối hợp chặt chẽ giữa nhiều bên. Có những nhà khoa học phải mất hàng chục năm nghiên cứu mới có thể cho ra đời một giống cây trồng mới. Quá trình này đòi hỏi một phương pháp khoa học hiện đại, như di truyền phân tử, phân tích gen, và quy tụ gen vào giống cây trồng, chẳng hạn như giống lúa tốt không kháng bệnh. Tuy nhiên, quá trình thử nghiệm ngoài đồng ruộng không phải lúc nào cũng thành công, thất bại là điều thường xuyên xảy ra.
Nông nghiệp hiện nay không chỉ là sản xuất mà còn phải hội nhập và phát triển, đòi hỏi một lực lượng nhân lực chất lượng cao, trang thiết bị hiện đại và đổi mới công nghệ. Xu hướng hiện nay đang tập trung vào nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh, nông nghiệp an toàn và bền vững. Để thực hiện được điều này, yếu tố quyết định đầu tiên chính là con người – những nhà khoa học phải tham gia tích cực, kết hợp với các doanh nghiệp khoa học công nghệ và các tập đoàn lớn có vốn đầu tư phát triển công nghiệp hạt giống. Chính sự kết hợp này sẽ giúp nâng cao giá trị nông sản của Việt Nam.
Là một nhà khoa học, tôi luôn đồng hành cùng bà con nông dân trong hành trình đổi mới sáng tạo để xây dựng nền nông nghiệp bền vững và có vị thế trên thế giới. Trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13, Đảng ta đã nhấn mạnh việc cần phát triển một nền nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp tuần hoàn. Tôi luôn mong muốn góp phần thực hiện mục tiêu này, đồng hành cùng nông dân để đưa ra những giải pháp sáng tạo, phát triển nông nghiệp bền vững.
Hay như nghị quyết số 57-NQ/TW, ban hành ngày 22/12/2024 cũng có thể coi là một bước "cởi trói" cho khoa học công nghệ nói chung và ngành giống cây trồng nói riêng. Cơ chế tài chính linh hoạt, thúc đẩy hợp tác với doanh nghiệp, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu, đồng thời tạo động lực cho các nhà khoa học thông qua việc thương mại hóa sản phẩm của họ – tất cả những yếu tố này sẽ giúp Việt Nam đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học vào chọn tạo giống, hướng đến một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững và có tính cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế...
Chìa khóa quan trọng để phát triển bền vững ngành nông nghiệp chính là quản trị kinh tế nông nghiệp, coi khoa học công nghệ là yếu tố cốt lõi. Nhà nước cần tạo điều kiện tối ưu để các nhà khoa học phát huy sáng tạo và đổi mới, đồng thời trao quyền tự chủ toàn diện cho các Viện và Trung tâm nghiên cứu khoa học. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể đạt được những nghiên cứu tầm cỡ, mang lại giá trị thực sự cho nông nghiệp và đất nước.
Ở tuổi 85, khi mà nhiều người đã tìm kiếm những giây phút thư giãn sau một chặng đường dài cống hiến, nhưng công việc của ông dường như vẫn luôn bận rộn và đầy ắp những trách nhiệm. Giáo sư có thể chia sẻ về công việc của mình ở thời điểm hiện tại?
- Hiện tại, công việc của tôi chủ yếu gắn liền với các hoạt động xã hội. Về mặt chuyên môn, tôi đang đảm nhận vị trí Chủ tịch Hội Giống Cây Trồng Việt Nam, nơi tập hợp các giáo sư, nhà khoa học đầu ngành về giống cây trồng trên toàn quốc. Công việc chính của chúng tôi là tuyên truyền, phổ biến các giống cây trồng chất lượng tới bà con, mang những giống tốt từ các viện nghiên cứu và các công ty đến với người nông dân...
Ngoài công việc tại hội, tôi còn giữ vai trò Chủ tịch Hiệp hội Những người tốt nghiệp Liên Xô tại Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Ứng Nghị Việt - Nga, Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy viên Liên hiệp Hội Khoa học Việt Nam, cùng rất nhiều hội đồng khoa học của các bộ, ngành. Tôi cũng tham gia vào một tổ chức từ thiện quốc tế hỗ trợ phụ nữ và trẻ em nghèo ở Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Bên cạnh đó, tôi còn là cố vấn cao cấp cho hai tập đoàn giống cây trồng lớn tại Việt Nam và một tập đoàn xuyên Thái Bình Dương về nông nghiệp.
Đặc biệt, ông đã từng chia sẻ rằng hạnh phúc lớn nhất của một người thầy là nhìn thấy học trò thành đạt. Ông có cảm xúc như thế nào khi tạo ra một thế hệ học trò xuất sắc như vậy không?
- Đúng là trong suốt mấy chục năm làm khoa học, tôi đã dạy hàng nghìn, hàng vạn sinh viên. Đặc biệt, trong suốt quá trình đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ, tôi đã hướng dẫn thành công 32 tiến sĩ, những người sau này trở thành các chuyên gia, nhà khoa học tài năng.
Điều mà tôi luôn cảm thấy hạnh phúc nhất là không phải tất cả các học trò của tôi đều nhớ đến tôi, nhưng khi đi đến bất cứ đâu trong cả nước, tôi đều gặp những học trò đã trưởng thành, người thì Bí thư tỉnh ủy, người là Giám đốc Sở, thậm chí có cả những người từng là "Tư lệnh" của ngành nông nghiệp. Chính điều này khiến tôi tự hào và hạnh phúc. Những học trò ấy không chỉ trưởng thành về chuyên môn mà còn về chính trị, điều này khiến tôi cảm thấy mình đã đóng góp phần nào vào sự nghiệp của họ.
Một điều đặc biệt nữa là mỗi năm, trong những khóa học, tôi luôn thấy ít nhất ba đến năm học trò của mình đã trở thành Ủy viên trung ương, điều này càng làm tôi thêm tự hào và hạnh phúc. Họ đều tự nỗ lực vươn lên, nhưng tôi nghĩ phần nào mình cũng đóng góp vào sự phát triển của họ, dù chỉ là một chút. Và tôi luôn tin rằng, đối với một người thầy, không có niềm hạnh phúc nào bằng việc nhìn thấy học trò của mình thành công.
Trong suốt chặng đường dài công tác và nghiên cứu khoa học, Giáo sư đã có một người bạn đời và đồng nghiệp hết sức đặc biệt, đó là GS.TS Hoàng Tuyết Minh. Giáo sư có thể chia sẻ thêm về người bạn đời và những động lực đã giúp hai nhà khoa học hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cũng như việc nuôi dạy các con trưởng thành?
- Tôi rất xúc động mỗi khi nhắc đến GS.TS Hoàng Tuyết Minh. Bà không chỉ là người bạn đời tuyệt vời mà còn là một đồng nghiệp xuất sắc. Suốt nhiều năm qua, chúng tôi đã cùng nhau làm việc trong lĩnh vực khoa học nông nghiệp, đóng góp nhiều công trình nghiên cứu quan trọng. Trong suốt sự nghiệp của mình, GS. Hoàng Tuyết Minh luôn tỏ ra rất tâm huyết với công việc, từ những nghiên cứu khoa học đến việc đào tạo, hướng dẫn các thế hệ nhà khoa học trẻ.
Bà là tác giả của nhiều giống cây trồng có giá trị cao, như giống lúa DT 271, DT 122, hay giống lúa đặc sản ĐS3-VAAS-16. Những giống lúa này đã được công nhận và gieo trồng rộng rãi ở các vùng miền, mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân. Không chỉ vậy, bà cũng là người luôn đồng hành cùng tôi trong các nghiên cứu và thử nghiệm tại các cánh đồng, như giống cây cỏ ngọt ST77 được công nhận là giống quốc gia vào năm 2019.
Là một người phụ nữ tài năng, giản dị và gần gũi, GS. Minh không chỉ được đồng nghiệp kính trọng mà còn được bà con nông dân yêu mến, coi bà là người truyền cảm hứng trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học vào đời sống. Cùng nhau, chúng tôi đã vượt qua nhiều thử thách trong nghiên cứu và phát triển, mang lại những giá trị thiết thực cho nông nghiệp Việt Nam.
Với tất cả những gì đã trải qua, Giáo sư có lời khuyên nào dành cho thế hệ trẻ, đặc biệt là những nhà khoa học trẻ - những học trò đang ấp ủ ước mơ và khát vọng trên con đường khoa học?
- Tôi luôn tin rằng, bất kỳ công việc nào cũng đều có giá trị và vinh quang. Nhưng để thành công, điều quan trọng nhất là đam mê. Đam mê sẽ là ngọn lửa dẫn đường, giúp bạn kiên trì theo đuổi mục tiêu, ngay cả khi đối mặt với khó khăn, thử thách. Tuy nhiên, đam mê phải đi cùng với niềm tin - tin vào bản thân, tin vào con đường mình đã chọn. Nếu bạn không có niềm tin vào chính mình, bạn sẽ không thể tiến xa.
Bên cạnh đó, tôi luôn nhắn nhủ các bạn trẻ một điều: "Hãy biết đứng trên vai những người khổng lồ." Đây không phải là câu nói của tôi, mà là triết lý của Newton—một nhà khoa học vĩ đại. Khi được hỏi tại sao có thể đạt được những thành tựu lớn lao, ông nói rằng: "Bởi vì tôi đứng trên vai những người khổng lồ." Điều đó có nghĩa là, muốn sáng tạo và phát triển, bạn cần phải kế thừa tri thức của nhân loại, học hỏi từ những người đi trước.
Không ai có thể thành công nếu chỉ dựa vào sức riêng mình. Trong nghiên cứu khoa học, không có phát minh nào là kết quả của một cá nhân đơn lẻ. Một giống cây trồng tốt không chỉ là công lao của nhà khoa học mà còn có sự đóng góp của cả một viện nghiên cứu, của người nông dân, của thực tiễn đồng ruộng. Vì vậy, phải biết kế thừa những tri thức có sẵn, đồng thời không ngừng sáng tạo để tạo ra giá trị mới.
Nguyên lý sống của tôi rất đơn giản: "Sống phải thoải mái, yêu đời, nhưng lúc nào cũng phải học". Học không chỉ là tiếp thu từ sách vở, từ thầy cô, mà còn là học từ thực tế, từ những người xung quanh, thậm chí từ chính những người mình đang truyền đạt.
Ngay cả bây giờ, khi đi giảng dạy ở Lâm Đồng, Quảng Bình, Thanh Hóa hay nhiều nơi khác, tôi vẫn học được rất nhiều điều từ chính những người nông dân, những người đang lắng nghe tôi nói. Bởi khoa học chỉ thực sự có giá trị khi nó được kiểm chứng và ứng dụng trong thực tế. Nếu chỉ ngồi trong phòng thí nghiệm hay giảng đường mà suy luận theo ý chủ quan, sẽ rất khó có thành công. Thực tiễn luôn là bài kiểm tra quan trọng nhất của mọi lý thuyết.
Trước khi chia tay, tôi hỏi Giáo sư điều gì là bí quyết để ông vượt qua biết bao sóng gió, giữ mãi ngọn lửa đam mê suốt hơn nửa thế kỷ làm khoa học. Ông cười hiền, ánh mắt ánh lên vẻ từng trải: "Bất kỳ công việc nào, dù là cầm bút hay cầm cày, nếu làm bằng cả trái tim, đều đáng trân trọng và vinh quang như nhau. Khoa học không phải là con đường duy nhất để tỏa sáng. Nhưng đã chọn đi thì phải đam mê đến tận cùng, và phải tin – tin rằng mình có thể làm được, nhất định sẽ làm được. Muốn làm khoa học tử tế, thì phải học – học suốt đời. Không chỉ học ở sách vở hay thầy cô, mà học ở chính người nông dân, học từ thực tiễn. Và phải học cho đến hơi thở cuối cùng"
Trong làn khói trà bảng lảng buổi trưa xuân, câu nói của ông như lắng đọng lại giữa khoảng không tĩnh tại. Tôi chợt hiểu rằng, với Giáo sư Trần Đình Long, khoa học không chỉ là những con số, phòng thí nghiệm hay danh hiệu, mà là cuộc sống, là hơi thở, là mạch đất chảy trong tim. Một đời người – một tấm gương lớn, âm thầm lan tỏa những điều giản dị mà cao quý đến thế…
GS.VS Trần Đình Long đã nhận nhiều giải thưởng như Giải thưởng quốc tế về quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên năm 1995; Giải thưởng "Doreen Mashler" về cải tiến năng suất và sản lượng lạc ở Việt Nam năm 2004; Giải thưởng quốc tế về tài nguyên thiên nhiên châu Á năm 2005; 6 Bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Năm 2024, là 1 trong 6 nhà khoa học Việt Nam trong hệ thống được Viện Hàn lâm Khoa học Nga (RAS) vinh danh; được trao tặng Giấy chứng nhận và biểu trưng tôn vinh cá nhân điển hình tiêu biểu toàn quốc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
(Nội dung: Hồng Liên – Thu Hà * Media: Hồng Liên – Thu Trang)