Ấn phẩm doanh nghiệp
Thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn trong sản xuất và chế biến lúa gạo
09/06/2024
Ngày 7-6, tại TP Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam (VIETRISA) và Viện Nghiên cứu lúa gạo Quốc tế (IRRI) tổ chức hội thảo “Phát triển kinh tế tuần hoàn trong sản xuất và chế biến lúa gạo”.
Nhân dịp hội thảo, Viện Nghiên cứu lúa gạo Quốc tế (IRRI) ký thỏa thuận ghi nhớ hợp tác với Công ty cổ phần Tập đoàn giống Cây trồng Việt Nam (Vinaseed).
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt và nguồn tài nguyên thiên nhiên đang suy giảm, việc chuyển đổi ngành lúa gạo Việt Nam theo mô hình kinh tế tuần hoàn là yêu cầu cấp bách. Qua đó, giúp tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên và các phụ phẩm trong quá trình sản xuất lúa, giảm thiểu lãng phí, giảm phát thải khí nhà kính và tạo ra giá trị gia tăng cho ngành lúa gạo. Với khối lượng phụ phẩm lúa gạo khổng lồ hằng năm - hàng chục triệu tấn rơm rạ và hàng triệu tấn trấu, nước ta có nhiều tiềm năng để khai thác, phát triển sản xuất theo hướng kinh tế tuần hoàn để nâng cao chuỗi giá trị. Việc triển khai thực hiện Ðề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ÐBSCL đến năm 2023 (Ðề án 1 triệu héc-ta lúa) cũng là cơ hội để nâng cao hiệu quả kinh tế tuần hoàn trong sản xuất và chế biến lúa gạo.
Thực tế cho thấy, thời gian qua tại TP Cần Thơ và nhiều địa phương vùng ÐBSCL, ngành chức năng đã hỗ trợ nông dân xây dựng và phát triển được nhiều mô hình hiệu quả trong sử dụng rơm rạ và trấu. Cụ thể như, sử dụng rơm trồng nấm sau đó tái sử dụng bã rơm để làm phân bón hữu cơ bón lại cho cây trồng hay sử dụng rơm làm thức ăn và làm đệm lót sinh học cho chăn nuôi gia súc...
Tại hội thảo, đại biểu được các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ NN&PTNT cùng các đơn vị, doanh nghiệp, Sở NN&PTNT các địa phương cập nhật, cung cấp thông tin về tình hình phát triển kinh tế tuần hoàn trong sản xuất lúa, cũng như đề xuất các giải pháp nhằm khai thác tốt các nguồn phụ phẩm. Ðồng thời, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực tế từ các mô hình hiệu quả đã thực hiện thời gian qua tại ÐBSCL. Ðể thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn trong sản xuất lúa, nhiều đại biểu kiến nghị cần đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn và có hỗ trợ cần thiết cho nông dân. Ðặc biệt, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan, từ nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học, doanh nghiệp đến nông dân để xây dựng những mô hình thực tiễn, hiệu quả, cũng như có các chính sách hỗ trợ và thúc đẩy phù hợp...
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị VIETRISA tiếp thu các ý kiến, giải pháp tại hội thảo để phối hợp Cục Trồng trọt tham mưu cho Bộ NN&PTNT thực hiện các mô hình kinh tế tuần hoàn trong chuỗi ngành hàng lúa gạo. Tích cực tuyên truyền, kêu gọi doanh nghiệp sản xuất giống, phân bón, vật tư nông nghiệp, thu mua lúa gạo... cùng tham gia. Sở NN&PTNT các địa phương tham mưu UBND các tỉnh, thành quan tâm xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn trên cơ sở Ðề án 1 triệu héc-ta lúa ở các địa phương để nhân rộng...
Theo: KHÁNH TRUNG - baocantho.com.vn