Ấn phẩm doanh nghiệp
Phụ nữ Việt Nam: Những người góp phần đảm bảo an ninh lương thực và gìn giữ các giá trị văn hóa bản địa
12/08/2024
Bằng tài năng, trí tuệ và tinh thần dám nghĩ, dám làm của mình, phụ nữ Việt Nam đã có những cống hiến rất quan trọng cho sự phát triển nông nghiệp nói riêng và đất nước nói chung.
Theo báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO). Phụ nữ Việt Nam chịu trách nhiệm 60% - 80% sản lượng lương thực xuất khẩu trong nước. Đặc biệt trong chuỗi sản xuất mặt hàng nông sản chiến lược lúa gạo, tỷ lệ phụ nữ chiếm tới 80% lực lượng lao động, từ khâu gieo mạ đến thu hoạch. Từ sự đóng góp của các nữ nông dân, các nhà quản lý và các nhà khoa học nữ, ngành nông nghiệp Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng tự hào trong suốt những năm vừa qua. Không chỉ đảm bảo an ninh lương thực trong nước, nông sản Việt Nam còn có mặt tại 190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2023, giá trị xuất khẩu nông sản đạt mức 53 tỷ USD. Bên cạnh hoạt động sản xuất nông nghiệp, phụ nữ nông thôn VN còn giữ vai trò quan trọng trong việc bảo tồn, phát triển các giá trị bản địa, góp phần xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Từ miền núi khô cằn đến những miền đồng bằng trù phú, phụ nữ Việt Nam đã và đang là lực lượng quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, góp phần xóa đói giảm nghèo, đảm bảo sinh kế hộ gia đình. Đặc biệt trong chuỗi sản xuất một số ngành hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như lúa gạo, trái cây và thủy sản, phụ nữ đóng góp từ 70 – 80% công sức lao động. Không chỉ tham gia vào quá trình sản xuất trực tiếp tạo ra sản phẩm, phụ nữ Việt Nam còn khẳng định vị thế trong vai trò lãnh đạo các tổ hợp tác, HTX, các doanh nghiệp nông nghiệp, góp phần quan trọng trong chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Trong số 18.340 HTX nông nghiệp VN, có ít nhất 10% phụ nữ tham gia quản lý, trong chương trình OCOP – một trong những đòn bẩy thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn Việt Nam, chủ thể sản phẩm OCOP có tỷ lệ nữ chiếm 39%.
Bên cạnh đó, dưới sự dẫn dắt của các nữ doanh nhân xuất sắc, nền nông nghiệp Việt Nam ngày càng trở nên có chỗ đứng vững chắc trên thị trường quốc tế. Tiêu biểu trong số đó, phải kể đến Bà Trần Kim Liên – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (VINASEED). Dưới sự dẫn dắt của Bà, Vinaseed trở thành Tập đoàn nông nghiệp có quy mô và thị phần lớn nhất ngành giống cây trồng Việt Nam, sản lượng tiêu thụ trên 100.000 tấn hạt giống/năm, tương đương 2 triệu ha gieo trồng. Bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) người ba lần được Tạp chí Forbes vinh danh là một trong 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất Châu Á. Bà đã đưa Vinamilk trở thành một trong những doanh nghiệp sản xuất sữa hàng đầu châu Á, doanh thu những năm gần đây đạt trên 60.000 tỷ đồng/năm và sản phẩm được xuất khẩu đến hơn 50 quốc gia, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động, trong đó có rất nhiều lao động nữ. Sự đóng góp trí tuệ, công sức của phụ nữ đã góp phần tạo nên một nền nông nghiệp Việt Nam thịnh vượng hơn.
Trên mặt trận khoa học nông nghiệp, các nhà khoa học nữ đã làm chủ nhiều đề tài phát triển và ứng dụng công nghệ mới. Những giống lúa do các nhà khoa học nữ như AHLĐ, PGS.TS. Nguyễn Thị Trâm, PGS.TS. Trần Thị Cúc Hòa, GS.TS. Nguyễn Thị Lang, Chuyên gia Bạch Thị Vững (Vinaseed) nghiên cứu chọn tạo làm thay đổi căn bản cơ cấu giống lúa ở Việt Nam theo hướng chất lượng cao, thích ứng biến đổi khí hậu. Theo Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNTcác giống lúa do PGS.TS. Trần Thị Cúc Hòa (OM18, OM5451, OM380) và giống lúa Đài Thơm 8 của Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (chuyên gia Bạch Thị Vững) có diện tích gieo trồng lên tới 2,24 triệu ha (năm 2023) bằng 60% diện tích gieo trồng lúa của ĐBSCL (trong đó riêng giống lúa Đài Thơm 8 của Vinaseed chiếm gần 30% tổng sản lượng gạo thơm xuất khẩu của Việt Nam).
Không chỉ xuất sắc trong quản lý kinh tế, nghiên cứu khoa học, phụ nữ Việt Nam còn giữ vai trò quan trọng trong việc gìn giữ và trao truyền các giá trị văn hóa bản địa, góp phần xây dựng những miền quê đáng sống, tạo nên những cộng đồng đoàn kết và vững mạnh.
Bằng tài năng, trí tuệ và tinh thần dám nghĩ dám làm của mình, phụ nữ Việt Nam đã có những cống hiến rất quan trọng cho sự phát triển nông nghiệp nói riêng và đất nước nói chung và chắc chắn sẽ tiếp tục đóng góp tài năng và trí tuệ cho an ninh lương thực, dinh dưỡng Việt Nam và Thế giới. Sự công nhận và hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế là động lực to lớn giúp họ vượt qua mọi khó khăn, khẳng định vị thế của mình và góp phần xây dựng một nền nông nghiệp minh bạch – trách nhiệm – bền vững.
Phóng sự: Phụ nữ Việt Nam: đóng góp lớn đảm bảo an ninh lương thực và gìn giữ các giá trị văn hóa bản địa
Theo Báo Nông nghiệp