Ấn phẩm doanh nghiệp
Hội nhập bắt đầu từ ... nông dân
15/02/2016
(ĐTCK) Khoảng 500 người lao động, có công việc gắn bó với ruộng đồng, trên khắp mọi miền Tổ quốc đã đến chung vui cùng CTCP Giống cây trồng Trung ương (Vinaseed) trong một ngày đẹp nắng tháng 10, khi Công ty kỷ niệm 10 năm cổ phần hóa.
Niềm vui của Vinaseed được nhân lên trong niềm vui của rất nhiều người lao động, thành quả của Vinaseed được bắt nguồn từ thành quả của người nông dân…
|
Từ câu chuyện của lão nông
Có mặt trên chuyến xe đưa hàng trăm khách từ Thủ đô đến dự sự kiện Vinaseed khai trương Nhà máy Chế biến nông sản tại Hà Nam, tôi may mắn ngồi cạnh bác Bảy Nhành, một nhà nông đậm chất Nam Bộ. Suốt quãng đường là câu chuyện bác kể về người nông dân Tây Ninh canh tác trên cánh đồng của mình. Ở tuổi 70 với nhiều năm gắn bó với cánh đồng, bác gần như trải nghiệm mọi cung bậc nghề nghiệp. Từ lúc vất vả sớm hôm đến khi được nhàn nhã nhờ cơ giới hóa, nguời nông dân thoát khổ.
“Nhưng nói thoát khổ mà có phải là thoát được đâu, bởi thực tế vì cơ giới hóa nên làm nghề nông có được đồng lãi khó lắm”, bác kể và cho biết, tiền bán sản phẩm phải trang trải rất nhiều cho chi phí thuê máy cuốc, máy cày, máy làm cỏ… “Nếu không chọn được loại giống tốt, phân bón và có chế độ chăm sóc phù hợp và thì sản lượng làm ra từ đồng ruộng của nhà nông không đủ trả chi phí”, bác nói.
Như có một sự đồng cảm từ lâu, tôi kể cho bác Bảy Nhành nghe về Nam Định - quê chồng tôi, nơi có những cánh đồng bát ngát cánh cò. Thửa ruộng ở đây cứ dài, rộng hàng trăm mét. Nhưng để tạo ra giá trị gia tăng trên những cánh đồng đẹp đẽ này lại là một câu chuyện quá khó, khi sản phẩm làm ra có giá trị thương mại rất thấp, còn chi phí sản xuất (nguyên vật liệu và thuê mướn máy móc cơ giới hóa) lại rất nhiều.
Vì khó kiếm sống ngay trên những cánh đồng trù phú, nên nhiều thanh niên phải chọn cách tha hương đi tìm cơ hội việc làm nơi khác. Rất nhiều căn nhà chỉ có người già và những đứa trẻ, đồ đạc không có thứ gì đáng giá. Mỗi lần về thăm quê là mỗi lần trăn trở, ước sao người nông dân không khổ ngay trên những cánh đồng trù phú quê nhà.
Nhưng câu chuyện với bác Bảy Nhành hôm đó khiến tôi nghĩ khác. Bác kể, từ hồi bác gặp chị Liên (hình như đã 7 năm rồi), bác yêu công việc của nhà nông hơn hẳn. Bác đặt niềm tin vào chị Liên, vào chất lượng giống Vinaseed cung cấp. Theo thời gian, bác cũng như nhiều người dân thôn quê nhận ra rằng, khi có giống tốt, chỉ cần chăm sóc ruộng nương đúng cách, kết quả sẽ không phụ lòng người nông dân.
“Lúc đầu, tôi chỉ sản xuất ở quy mô nhỏ trong phạm vi gia đình. Sau nhìn những ruộng lúa, ruộng ngô tăng trưởng khoái quá, tôi đã mở rộng quy mô, thuê thêm hàng chục hécta đất để phát triển cánh đồng ngô của mình. Điều thú vị là ngô sản xuất ra được tiêu thụ rất tốt. Vài năm gần đây, tôi xây dựng thêm hệ thống máy sấy, kho chứa mới, hỗ trợ bà con cùng tham gia Hợp tác xã, sản xuất và tiêu thụ hàng nông sản rất nhịp nhàng”, bác kể.
Hội nhập bắt đầu từ… nông dân
“Chị Liên” mà bác Bảy Nhành nhắc tới là bà Trần Thị Kim Liên, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CTCP Giống cây trồng Trung ương (Vinaseed). Mãi sau tôi mới biết điều này, vì trong suốt cuộc hành trình cùng bác, tôi có cảm giác “chị Liên” mà bác nói đến là người gần gũi với bác lắm, thường xuyên lắng nghe và chia sẻ với người dân quê bác, chứ không nghĩ “chị Liên” chính là vị Chủ tịch một DN niêm yết thuộc nhóm lớn nhất trên TTCK Việt Nam.
Tôi chẳng kịp kể với chị Liên cái phát hiện thú vị trong câu chuyện trên xe ô tô hôm đó, vì thấy chị quá bận với cả nghìn khách đến chia vui cùng Vinaseed vào ngày kỷ niệm 10 năm cổ phần hóa. Chị đón tiếp mọi người, từ quan chức đến nông dân bằng nụ cười tươi tắn, đôn hậu, không ngừng chia sẻ về Vinaseed - nơi chị đã gắn bó bằng tất cả tình cảm, trách nhiệm với cuộc sống, với con người và xã hội.
Nếu như 10 năm trước, Vinaseed chỉ là một DN quy mô nhỏ với vốn điều lệ ban đầu 13,9 tỷ đồng (năm 2005) thì nay, Vinaseed là công ty giống cây trồng có quy mô lớn nhất Việt Nam, với vốn chủ sở hữu trên 750 tỷ đồng; doanh thu hợp nhất năm 2015 tăng 20 lần; lợi nhuận sau thuế tăng 40 lần, tổng tài sản vượt qua con số 1.000 tỷ đồng.
Thay đổi về quy mô, về hiệu quả hoạt động, về danh tiếng trên thị trường, nhưng có một điểm không thay đổi trên suốt trên chặng đường hoạt động của Vinaseed, đó là sứ mệnh của Công ty: Vinaseed xác định sứ mệnh của mình là thực hiện giấc mơ cải thiện thu nhập và điều kiện sống của nông dân bằng các giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững. Trời không phụ lòng người. Ước nguyện của Vinaseed đã và đang dần hiện thực hóa khi chị Liên chia sẻ: “Hàng năm, khoảng 2 vạn nông dân tham gia chuỗi sản xuất Vinaseed và điều hạnh phúc là chúng tôi được chứng kiến thu nhập của họ tăng 20-30% mỗi năm”.
Một trong những yếu tố làm nên sự phát triển mạnh mẽ của Vinaseed, theo đánh giá của ông Phan Quốc Doanh, Phó trưởng ban Đổi mới doanh nghiệp Trung ương, là đã chọn đúng cách làm. Với đặc thù là DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp (tạo giống), ngay từ khi còn ở quy mô rất nhỏ, Vinaseed đã chọn khoa học công nghệ làm nền tảng và động lực cho sự phát triển với tâm niệm, khoa học công nghệ sẽ giúp cải thiện năng suất, từ đó sẽ gia tăng giá trị sản xuất cho nhà nông. Một yếu tố đặc biệt khác tạo nên thành quả của Vinaseed là khả năng đổi mới quản trị doanh nghiệp.
“Ít có DN nào làm được như Vinaseed”, ông Phan Quốc Doanh nói và cho biết, điểm đáng nể nhất chính là bước chuyển về tư duy quản trị: từ khép kín khi còn là DNNN sang minh bạch, công khai, trọng người tài. Năm 2006, Vinaseed đưa cổ phiếu lên niêm yết trên TTCK và đến năm 2011, Công ty được Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hà Nội chính thức công nhận là doanh nghiệp khoa học công nghệ. Hiện nay, 75% doanh thu của Công ty đến từ sản phẩm khoa học công nghệ.
Trong 10 giống cây chủ lực tại Việt Nam, Vinaseed đóng góp 2 loại và đang không ngừng nghiên cứu, thử nghiệm những ý tưởng mới, độc đáo, nhằm phát triển ngành nông nghiệp bền vững theo hướng công nghệ cao. Như đánh giá của ông Doanh thì “Vinaseed đã vươn lên ngoạn mục”. Ông mong Vinaseed là hạt nhân, dẫn dắt cho ngành nông nghiệp Việt Nam gia tăng giá trị sản xuất, đứng vững trong tiến trình hội nhập của nền kinh tế.
Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, ông Mai Quốc Trung lại ghi nhận Vinaseed theo một góc khác. “Điều chúng tôi ghi nhận ở Vinaseed là sự sát cánh cùng bà con nông dân trên những thửa ruộng, trên cánh đồng mẫu lớn và ngày càng nỗ lực gần gũi với… nông dân”.
Có thêm Trung tâm Chế biến giống cây trồng tại Hà Nam, Vinaseed tạo nên chuỗi hoạt động khép kín: từ nghiên cứu, tạo giống cho nông dân, đến chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm từ nông nghiệp… “Sự nỗ lực của Vinaseed vì nhà nông, vì ngành nông nghiệp Việt khiến chúng tôi luôn ủng hộ các dự án mới của Công ty”, ông Trung nói.
10 năm sau ngày cổ phần hóa, Vinaseed chia sẻ một ý niệm mới về công tác từ thiện của Công ty. Trước đây, cũng như nhiều DN khác, Vinaseed làm từ thiện bằng việc góp sức xây những cây cầu, tặng những căn nhà tình nghĩa hay giúp đỡ đồng bào lũ lụt. Nay, Công ty dồn tâm sức vào Quỹ Quỹ Tấm lòng Vinaseed với khát vọng hỗ trợ cải thiện từ gốc con người.
Nguồn tài chính của Quỹ được đóng góp từ cán bộ, nhân viên Công ty, định hướng tập trung giúp đỡ các con, em của những người nông dân hiếu học, vì hoàn cảnh khó khăn, không đủ sức đến trường. “Vinaseed gieo những hạt giống - con người với mong muốn giúp các em theo con đường học tập, lớn lên, biết yêu quê hương mình và đến một ngày chúng tôi mong được đón các em vào làm việc tại Công ty...”, bà Trần Kim Liên chia sẻ.
“Mở lòng nhân sinh ra vạn phúc”. Việt Nam hiện có trên 500.000 DN đang hoạt động. Nếu có nhiều DN tư duy kinh doanh như Vinaseed - nơi người lãnh đạo đặt trái tim và sứ mệnh vào việc cải thiện đời sống của nông dân, chủ thể chiếm 70% dân số Việt Nam, thì chắc chắn sẽ có nhiều cánh đồng sẽ trù phú hơn, nhiều gia đình thôn quê sẽ ấm áp và rộn rã tiếng cười. Vinaseed đang viết tiếp câu chuyện “hoa của đất” với khát vọng kinh doanh thấm đẫm tình đất, tình người…
Theo Tường Vi - Báo Đầu tư Chứng khoán