Ấn phẩm doanh nghiệp
Giữ hồn gạo Dự
29/05/2018
Lấy cảm hứng từ giống lúa Dự đặc sản nức tiếng trước đây ở các tỉnh ven biển ĐBSH, Cty CP Giống cây trồng Trung ương (Vinaseed) đã chọn tạo và đang "trình làng" giống lúa thuần chất lượng cao Dự Hương (VS8) với những ấn tượng mạnh mẽ về chất lượng gạo, năng suất lúa và khả năng chống chịu sâu bệnh vượt trội
Cùng với dòng lúa tám thơm nổi tiếng, Nam Định còn là nơi lưu truyền nhiều giống lúa thơm có chất lượng tuyệt hảo. Trong đó, người Thành Nam đến nay vẫn còn nhớ tới giống lúa Dự một thời đình đám. Giống được trồng từ lâu ở các tỉnh ven biển đồng bằng sông Hồng, trong đó phổ biến tại Nam Định - Thái Bình từ những năm 1990. Gạo Dự dẻo, thơm ngon đặc biệt, tiếng rằng hễ trong làng có người nấu cơm gạo Dự thì người đi từ đầu làng cũng nhận ra theo làn gió. Việc thu hoạch, phơi sấy, bảo quản, xay xát gạo Dự để có chất lượng thơm ngon cũng là cả một nghệ thuật... Giống lúa Dự truyền thống trước đây có khả năng chống chịu rất tốt với hạn và một số bệnh như bạc lá, khô vằn. Tuy nhiên cũng như nhiều giống lúa đặc sản khác, lúa Dự có nhược điểm năng suất rất thấp (chỉ từ 30 - 35 tạ/ha); cao cây, thân yếu dễ đổ; ngoài ra, do thời gian sinh trưởng rất dài (trên 160 ngày) nên cây lúa hay bị nhiễm bệnh đạo ôn và sâu đục thân cuối vụ, gãy đổ khi gặp mưa bão...
Ảnh 1: Lúa Dự Hương sinh trưởng tốt tại Ý Yên, Nam Định
Tại quê hương của giống lúa Dự trước đây, giống Dự Hương (VS8) đến nay đã trải qua ít nhất 2 năm SX thử tại nhiều huyện như Mỹ Lộc, Giao Thủy, Ý Yên, Nghĩa Hưng, Hải Hậu... (tỉnh Nam Định) và đang được nông dân rất hồ hởi đón nhận. Tại huyện Mỹ Lộc, từ một số diện tích nhỏ được SX thử trong năm 2017, tới Vụ ĐX 2017 - 2018, giống Dự Hương được nông dân đánh giá rất cao và đã được mở rộng diện tích lên hơn 57ha tại 3 xã Mỹ Hà, Mỹ Tiến và Mỹ Thịnh. Chất lượng gạo ngon, năng suất cao, khả năng chống chịu sâu bệnh cũng như khả năng chống đổ chính là những ưu điểm vượt trội của Dự Hương khiến nông dân mê mẩn.
Bà Phạm Thị Tho, nông dân thôn Đông, xã Mỹ Thịnh (huyện Mỹ Lộc) cho biết: Lâu nay, Bắc Thơm 7 vẫn là giống lúa chất lượng được nông dân trong xã rất ưa chuộng gieo cấy. Tuy nhiên những năm gần đây, do giống này thường xuyên bị bệnh, nhất là bạc lá nên vụ ĐX 2017 - 2018, gia đình bà đã mạnh dạn đưa giống Dự Hương vào gieo sạ trên diện tích 6 sào. Ngay vụ đầu, bà Tho cũng như nhiều nông dân trong xã đã bị thuyết phục bởi giống Dự Hương. Đến thời điểm này, giống đã chín đỏ đuôi, thời gian thu hoạch dự kiến trong vụ ĐX khoảng 125 - 130 ngày (tương đương giống Bắc thơm 7). Lúa đẻ nhánh rất khỏe ở các chân ruộng trũng. Mặc dù ruộng gieo sạ, lúa đẻ rất dày bông nhưng bù lại bộ lá đòng lại rất cứng, thẳng đứng nên chân ruộng thoáng. “Khả năng chống chịu sâu bệnh thì khỏi bàn. Vụ ĐX năm nay giống Dự Hương gần như không nhiễm bất kỳ loại sâu bệnh nào, rất sạch bệnh, chúng tôi chỉ phải đánh 2 lần thuốc trừ sâu (so với 3 - 4 lần của giống Bắc Thơm 7). Đây là ưu điểm mà trong vụ mùa 2018, gia đình tôi cũng như nhiều hộ khác sẽ chuyển sang cấy giống Dự Hương thay cho Bắc Thơm 7”, bà Tho khẳng định.
Ảnh 2: Các đại biểu tham quan ấn tượng trước mô hình giống lúa thuần năng suất, chất lượng cao Dự Hương
Phóng viên LÊ BỀN - Báo Nông nghiệp Việt Nam