Tin vinaseed
TIN GIỐNG CÂY TRỒNG BIẾN ĐỔI GEN
17/06/2010
Công văn số 2535/TB-BNN-VP, ngày 5/5/2010 thông báo Kết luận của Bộ trưởng Cao Đức Phát tại cuộc họp về khảo nghiệm cây trồng biến đổi gen.
Ngày 29 tháng 04 năm 2010, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã chủ trì cuộc họp về khảo nghiệm giống cây trồng biến đổi gen. Tham dự cuộc họp có đại diện Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Cục Trồng trọt, Viện Di truyền nông nghiệp, Viện Bảo vệ thực vật, Viện Nghiên cứu ngô và đại diện Công ty TNHH Syngenta Việt Nam, Văn phòng đại diện công ty Monsanto Ltd.
Sau khi nghe Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường báo cáo về tình hình triển khai công tác khảo nghiệm đánh giá rủi ro đối với đa dạng sinh học và môi trường của giống cây trồng biến đổi gen ở Việt Nam, các ý kiến trao đổi của đại diện Công ty TNHH Syngenta Việt Nam, Văn phòng đại diện công ty Monsanto Ltd., các đề xuất của Cục trồng trọt, Viện Di truyền nông nghiệp, Viện Bảo vệ thực vật và Viện Nghiên cứu ngô, Bộ trưởng Cao Đức Phát kết luận:
1. Cây trồng biến đổi gen là thành tựu khoa học đã được áp dụng rộng rãi và thành công trên thế giới với diện tích hiện nay lên đến trên 130 triệu ha, vì vậy Việt Nam cần tiếp thu nhanh thành tựu khoa học này để ứng dụng vào sản xuất tạo buớc phát triển mới trong nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất cây trồng. Về chủ trương, trong những năm trước mắt cần đưa ngay các giống cây trồng biến đổi gen gồm ngô, bông và đậu tương vào sản xuất. Hiện nay các Công ty quốc tế đã có các giống biến đổi gen này và có khả năng áp dụng vào điều kiện Việt Nam. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoan nghênh các Công ty đưa giống biến đổi gen vào khảo nghiệm tại Việt Nam để tiến đến công nhận, đưa vào sản xuất đại trà. Bộ yêu cầu các đơn vị liên quan thuộc Bộ tạo điều kiện thuận lợi, thủ tục đơn giản nhất cho các Công ty nhập giống khảo nghiệm và thực hiện quy trình khảo nghiệm.
2. Trong việc khảo nghiệm đánh giá rủi ro giống cây trồng biến đổi gen ở Việt Nam cần kế thừa các kết quả khảo nghiệm đã được thực hiện ở các nước khác trên cùng giống đó để giảm chi phí và thời gian không cần thiết. Cần tăng điểm khảo nghiệm hẹp trên đồng ruộng để rút ngắn thời gian khảo nghiệm hẹp, nhanh chóng đưa ra khảo nghiệm rộng trên quy mô cao nhất có thể. Trong khảo nghiệm đánh giá rủi ro cần thực hiện đồng thời khảo nghiệm về nông học để tạo điều kiện cho việc nhanh chóng công nhận giống chính thức.
3. Một số công việc cụ thể cần thực hiện ngay:
a) Viện Di truyền nông nghiệp và Công ty TNHH Syngenta Việt Nam, Văn phòng đại diện công ty Monsanto Ltd. bổ sung kết quả đánh giá an toàn sinh học trên thế giới đối với giống ngô biến đổi gen đăng ký khảo nghiệm và hoàn chỉnh đề cương khảo nghiệm diện hẹp để được phê duyệt trước ngày 15 tháng 5 năm 2010, yêu cầu khảo nghiệm thực hiện ở 2 vùng sinh thái (đồng bằng sông Hồng và miền Đông Nam bộ), không nhất thiết khảo nghiệm trong nhà kính, nhà lưới. Thời gian thực hiện khảo nghiệm hẹp cần bắt đầu ngay khi giống nhập về đến Việt Nam.
b) Viện Di truyền nông nghiệp và Công ty TNHH Syngenta Việt Nam, Văn phòng đại diện công ty Monsanto Ltd. xây dựng ngay kế hoạch khảo nghiệm đồng ruộng diện rộng với quy mô đủ lớn để cũng là mô hình trình diễn. Khảo nghiệm rộng thực hiện từ tháng 8 năm 2010. Các Công ty cần tiến hành ngay việc nhập giống cho khảo nghiệm rộng.
c) Viện Di truyền nông nghiệp báo cáo thường xuyên diễn biến tình hình khảo nghiệm cho Bộ để được chỉ đạo kịp thời, tháo gỡ vướng mắc.
d) Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường triển khai ngay các hoạt động liên quan đến kiểm tra, giám sát khảo nghiệm; tiếp tục tiếp nhận, thẩm định hồ sơ và trình Bộ cấp phép khảo nghiệm đối với các giống cây trồng biến đổi gen khác; chủ động thông tin, tuyên truyền kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức có giống cây trồng biến đổi gen đăng ký khảo nghiệm; trong quá trình thực hiện đề xuất kịp thời Bộ bổ sung, điều chỉnh các quy chế khảo nghiệm nếu cần thiết.
Văn phòng Bộ thông báo để các đơn vị biết và thực hiện./.