Tin vinaseed
Thiết lập cơ chế mới cho nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ
09/07/2024
Hợp tác công - tư là điều cần thiết trong giai đoạn hiện nay để kết nối nghiên cứu với thị trường, thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ hiện đại vào sản xuất.
Hợp tác công - tư để huy động nguồn lực
Công ty Cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed) là doanh nghiệp khoa học công nghệ (KHCN) hàng đầu, có quy mô và thị phần lớn nhất ngành giống cây trồng Việt Nam với sản lượng cung ứng hàng năm tới 100.000 tấn giống lúa chất lượng cho sản trên tất cả các vùng miền của cả nước.
Chủ tịch Vinaseed: "Cần thiết lập cơ chế mới cho nghiên cứu và chuyển giao KHCN". Ảnh: NSC.
Vinaseed là đơn vị đầu tiên tham gia tạo lập thị trường KHCN. Ngay từ năm 2006, Vinaseed đã nhận chuyển giao từ Viện Di truyền Nông nghiệp giống lúa Khang dân đột biến và giống ĐB6 của Trung tâm Khảo kiểm nghiệm Giống cây trồng Trung ương. Kể từ đó đến nay, Tập đoàn đã mua bản quyền 6 giống lúa và ngô, nhận chuyển giao quyền kinh doanh 3 giống lúa từ các viện và trường đại học của Bộ NN-PTNT.
Tập đoàn làm chủ 2 dự án nghiên cứu lúa của Bộ KH-CN và dự án lúa lai chịu mặn (KC06-1 và KC06-2). Đó là những thành quả của quá trình hợp tác công - tư trong nghiên cứu KHCN, mang lại hiệu quả to lớn, đóng góp vào nâng cao năng suất, chất lượng và sự phát triển của ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam. Những giống cây trồng trên hiện đều được thương mại hóa ở khắp mọi vùng trên cả nước.
“Vinaseed coi việc hợp tác với lĩnh vực công trong việc ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật là một trong những điểm mạnh quan trọng, là con đường để phát triển và có quy mô, thị phần như hiện nay”, bà Trần Kim Liên - Chủ tịch HĐQT Vinaseed nhấn mạnh.
Vinaseed là doanh nghiệp hàng đầu về ứng dụng KHCN trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: NSC.
Tuy nhiên theo bà Liên, thời gian gần đây, hợp tác công - tư trong lĩnh vực KHCN ngành nông nghiệp nói chung, giống cây trồng nói riêng vẫn còn hạn chế về số lượng và chất lượng, đồng thời gặp nhiều khó khăn, cần có cơ chế để thúc đẩy, giải quyết những vướng mắc. Việc tháo gỡ và giải quyết các khó khăn trong hợp tác công - tư là rất quan trọng đối với hoạt động nghiên cứu KHCN trong lĩnh vực nông nghiệp.
Bà Liên cho rằng, hợp tác công - tư là điều cần thiết trong giai đoạn hiện nay để tận dụng tối đa nguồn lực xã hội, kết nối nghiên cứu với thị trường. Qua đó thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ hiện đại vào sản xuất, từ đó tái cấu trúc ngành nông nghiệp theo hướng quy mô lớn và thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu.
Đồng thời, đáp ứng nhu cầu đa dạng và thay đổi liên tục của thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành nông nghiệp Việt Nam.
Đổi mới cơ chế chuyển giao sản phẩm KHCN theo hướng thị trường
Để thúc đẩy hợp tác công - tư trong lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KHCN, trong điều kiện ngân sách nghiên cứu còn hạn chế và thiếu tập trung, Vinaseed đề xuất sửa đổi Nghị định 70/2018/NĐ-CP để phù hợp với các quy định mới đã sửa đổi trong Luật Sở hữu trí tuệ và tạo hành lang pháp lý cho hoạt động hợp tác nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KHCN.
Chủ tịch HĐQT Vinaseed nhấn mạnh, các điều luật khi sửa đổi sẽ tạo điều kiện cho các nhiệm vụ trước mắt và nghiên cứu cơ bản nhằm tạo nguồn vật liệu có nhiều đặc tính tốt hỗ trợ quá trình tạo giống,
Hiện nay, Việt Nam đã có Luật Khoa học Công nghệ, Luật Chuyển giao Khoa học Công nghệ, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 số 07/2022/QH15, Luật Quản lý Sử dụng Tài sản công năm 2017. Bộ NN-PTNT cũng đã có thông tư hướng dẫn giao quyền quản lý và sử dụng các kết quả nghiên cứu KHCN.
“Tuy nhiên, việc hợp tác chuyển giao hiện nay rất khó thực hiện do các quy định của nhà nước trong Nghị định 70/2018/NĐ-CP và Thông tư 63/2018/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định 70, cũng như Thông tư 02/2020/BKHCN hướng dẫn thực hiện khoản 1 - Điều 44 của Nghị định 70,” bà Liên giải thích.
Do đó, cần có cơ chế tuyển chọn các dự án nghiên cứu theo hình thức đặt hàng, gắn sản xuất với thị trường và cho phép các doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia một cách minh bạch. Các doanh nghiệp này cần được quyền tham gia tài trợ dự án, trong đó quy định rõ quyền và nghĩa vụ của các bên nhằm huy động nguồn lực phục vụ cho nghiên cứu.
Hợp tác công - tư sẽ thúc đẩy chuyển giao công nghệ hiện đại vào sản xuất, kết nối nghiên cứu với thị trường. Ảnh: NNVN.
Bộ KH-CN và Bộ NN-PTNT cần xây dựng các dự án hợp tác công - tư thí điểm theo chuỗi dịch vụ hoàn chỉnh nhằm kết nối từ cơ sở nghiên cứu đến ứng dụng chuyển giao, sản xuất kinh doanh và xây dựng thương hiệu, phục vụ cho phát triển bền vững.
Trước mắt, điều này cần được triển khai trong Chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng tại ĐBSCL theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu và sản xuất xanh, bền vững. Cần có cơ chế gắn bó và chia sẻ rõ ràng về lợi ích giữa các bên tham gia.
Ngoài ra, cần thiết lập cơ chế để các viện nghiên cứu có thể mở rộng hợp tác quốc tế, khai thác các nguồn gen tiên tiến và tái sản xuất mở rộng. Điều này sẽ giúp nuôi dưỡng nguồn lực cho các cơ sở nghiên cứu công lập sau khi có nguồn thu. Hiện nay, cơ chế này chưa thực sự tạo động lực cho các cơ sở nghiên cứu và các nhà khoa học so với doanh nghiệp.
Ngày 10/7, Bộ NN-PTNT tổ chức Diễn đàn đàn kết nối các sản phẩm khoa học công nghệ (KHCN) ngành nông nghiệp với doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan và Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì Diễn đàn.
Tham dự Diễn đàn có lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT, các viện nghiên cứu, các trường trực thuộc Bộ NN-PTNT, các doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức quốc tế… liên quan đến ngành nông nghiệp.
Diễn đàn được tổ chức theo dạng hỏi - đáp, trả lời trực tiếp các câu hỏi mà các đại biểu quan tâm, các phóng sự giới thiệu về chủ trương, chính sách của Bộ NN-PTNT trong việc khuyến khích nghiên cứu, đổi mới KHCN và những kết quả đạt được, giới thiệu các điển hình đã và đang chuyển giao thành công sản phẩm KHCN vào sản xuất.
Trong khuôn khổ Diễn đàn, từ ngày 9 - 10/7, tại Bộ NN-PTNT (số 2 Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội), Bộ NN-PTNT sẽ tổ chức không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm, công nghệ, kết quả nghiên cứu nổi bật của các viện, trường, doanh nghiệp với 8 không gian trưng bày thuộc các lĩnh vực trồng trọt - bảo vệ thực vật; chăn nuôi - thú y; lâm nghiệp; thủy sản; thủy lợi - phòng chống thiên tai; cơ điện và công nghệ sau thu hoạch…
Theo: Quỳnh Chi - Thanh Thủy - báo nongnghiep.vn