Tin vinaseed
Khối tư nhân đã tham gia rất sâu rộng vào nghiên cứu giống cây trồng
04/06/2024
Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho rằng khối doanh nghiệp tư nhân đã tham gia sâu, rộng vào công tác phát triển cũng như đưa giống vào sản xuất, kinh doanh.
Theo Cục trưởng Cục Trồng trọt, nếu không có sự tham gia của khối tư nhân thì giống có tốt cũng chỉ phát triển được vài ha.
Ảnh: Tùng Đinh.
Ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT chia sẻ, về hợp tác công tư trong công tác chọn tạo, phát triển giống cây trồng, từ năm 2014 – 2023, trên cả nước ghi nhận số giống được bảo hộ có 50% là do doanh nghiệp, 34% do các viện nghiên cứu, các trường đại học có 4%, nông dân làm giống là 3%, các cá nhân 5% và các nhà khoa học đã nghỉ hưu là 4%.
"Tỷ lệ tham gia vào nghiên cứu giống này cho thấy các đơn vị doanh nghiệp tư nhân đã tham gia rất sâu, rất rộng vào lĩnh vực sở hữu trí tuệ về giống cây trồng. Đúng như chị Liên, Chủ tịch HĐQT Vinaseed đã nói, nếu không có sự tham gia của doanh nghiệp thì giống tốt đến mấy cũng chỉ dừng ở mức độ mô hình trên vài ha", Cục trưởng Cục Trồng trọt nhận định.
Kết quả là hiện nay Việt Nam có thể nói đang sở hữu một bộ giống lúa thuộc hàng nhất nhì trên thế giới.
Tuy nhiên, trước đây, khi Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi chưa có hiệu lực, chúng ta đã gặp phải một số vướng mắc trong việc xử lý kết quả nghiên cứu khoa học có sử dụng nguồn ngân sách nhà nước. Điều này đã gây ra những khó khăn nhất định trong việc đẩy mạnh hợp tác công tư trong công tác nghiên cứu, phát triển giống cây trồng.
Nhưng từ khi xây dựng Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, Cục Trồng trọt đã tham mưu, kiến nghị việc cho phép giao giống cây trồng tự động và không bồi hoàn.
"Nguyên nhân là các nhà khoa học có thể đảm bảo được công tác nghiên cứu nhưng việc đưa giống vào sản xuất, thương mại hóa cần đến các doanh nghiệp, có kinh nghiệm, nguồn lực và am hiểu thị trường", ông Nguyễn Như Cường lý giải.
Do đó, Cục trưởng Trồng trọt đề nghị các viện có thể nghiên cứu kỹ Điều 164, Điều 191a, Điều 191b và Khoản 3, Điều 2 của Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung, trong đó quy định rất cụ thể, rất rõ về vấn đề hợp tác nghiên cứu và chuyển giao, thương mại giống và đã có hiệu lực từ 1/1/2023.
Với những thay đổi về cơ chế nói trên, ông Cường cho rằng, nếu thu hút được nhiều thêm nữa sự tham gia của khối tư nhân thì chúng ta có thể khai tác được nguồn lực xã hội, đưa ra những bộ giống tốt hơn, giúp người nông dân có nhiều lựa chọn hơn, phù hợp với điều kiện canh tác của mình, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi được xem là chìa khóa cho doanh nghiệp giải quyết những vướng mắc còn tồn tại trong vấn đề tham gia nghiên cứu, thương mại giống cùng với các đơn vị công lập. Ảnh: Tùng Đinh.
Hiện nay, Luật Trồng trọt và các hướng dẫn của Luật Trồng trọt đã khá thuận lợi cho việc công nhận giống. Ví dụ, từ 2014 – 2019, thực hiện theo Pháp lệnh Giống cây trồng, chỉ có 119 giống được công nhận. Nhưng từ 1/1/2020 đến tháng 5/2024, đã có đến 152 giống cây trồng được công nhận.
"Điều đó cho thấy, cơ quan quản lý nhà nước phối kết hợp và tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp trong công tác công nhận giống", Cục trưởng Cục Trồng trọt nói.
Những điều kiện này đã góp phần xây dựng nên bộ giống lúa hàng đầu thế giới của Việt Nam, góp phần đảm bảo an ninh lương thực và sản lượng xuất khẩu gạo hàng năm dù diện tích trồng lúa chỉ dao động quanh mức 3,9 triệu ha, không tăng nhiều.
Ngoài ra, những tiến bộ khoa học đem lại kết quả về giống đã trở thành các giải pháp phi công trình, giải pháp mềm để bố trí thời vụ để né tránh, giảm thiểu thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra.
Liên quan đến quyền của các chủ sở hữu giống cây trồng, hiện nay các cơ quan quản lý nhà nước sẽ phải vào cuộc để đảm bảo những quyền này. Nhưng cũng phải xác định rằng, người quyết định việc mua giống là nông dân, nếu nông dân còn chấp nhận mua giống trôi nổi với giá rẻ thì việc ngăn chặn sẽ gặp nhiều khó khăn.
Theo ông Nguyễn Như Cường, để phát huy hiệu quả trong hợp tác công tư về nghiên cứu giống cây trồng, thì cần xây dựng các hình thức hợp tác công tư trong bảo vệ quyền lợi của chủ sở hữu giống.
Như vậy, bản thân các doanh nghiệp phải phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, tập trung tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức cho người nông dân, người quyết định mua giống.
Liên quan đến công tác quản lý, ông Nguyễn Như Cường đề xuất có thêm những chính sách khuyến khích nghiên cứu, ví dụ như tăng ngân sách cho nghiên cứu, bao gồm cả nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng.
Theo Tùng Đinh - Báo Nông nghiệp Việt Nam