Tin vinaseed
Hướng dẫn gieo trồng giống lúa hương thơm 1 (HT1)
28/08/2014
Hướng dẫn gieo trồng giống lúa hương thơm 1 (HT1).
I. NGUỒN GỐC
Là giống lúa chất lượng có nguồn gốc từ Trung Quốc.
II. ĐẶC TÍNH GIỐNG
- Là giống cảm ôn cấy được cả 2 vụ.
- Thời gian sinh trưởng: Khu vực Bắc Bộ vụ Xuân 125-130 ngày; vụ Mùa 100-105 ngày (nếu gieo sạ thời gian sinh trưởng rút ngắn 3-5 ngày). Khu vực Bắc Trung Bộ thời gian rút ngắn 3-5 ngày so với khu vực Bắc Bộ. Khu vực Nam Trung Bộ vụ Đông Xuân 105-110 ngày, vụ Hè Thu 95-100 ngày
- Cao cây 110- 115 cm, trỗ nhanh, thoát cổ bông, dạng hình gọn, đẻ nhánh khá, chống chịu trung bình với một số loại sâu bệnh hại chính. Chịu thâm canh, chống đổ khá, chịu rét và chua trung bình.
- Giống lúa HT1 có dạng hạt thon dài màu vàng sẫm, bông dài 22-25 cm, số hạt trên bông cao, khối lượng 1000 hạt 24-25 gram, gạo trong, cơm thơm và mềm.
- Năng suất trung bình 5,5 – 6,0 tấn/ha, thâm canh tốt có thể đạt 6,5-7,0 tấn/ha
III. YÊU CẦU KỸ THUẬT
- Chân đất: Thích hợp chân đất vàn cao, vàn trong các trà Xuân muộn và Mùa sớm tại các tỉnh miền Bắc, vụ Đông Xuân và Hè Thu ở các tỉnh miền Trung.
- Thời vụ gieo cấy: Khu vực Bắc Bộ: vụ Xuân gieo 20/1-10/2, gieo mạ dày xúc hoặc mạ nền, cấy tuổi mạ 3-3,5 lá; nếu gieo mạ dược cấy tuổi mạ 4-4,5 lá; vụ Mùa gieo trong tháng 6, cấy tuổi mạ 12-15 ngày .
Khu vực Bắc Trung Bộ: vụ Xuân gieo 10-31/1 gieo mạ dày xúc hoặc mạ nền, cấy tuổi mạ 3-3,5 lá; nếu gieo mạ dược cấy tuổi mạ 4-4,5 lá; vụ Hè Thu gieo 15/5-5/6, cấy tuổi mạ 12-15 ngày.
Khu vực Nam Trung Bộ: vụ Đông Xuân gieo sạ 20/12-15/1; vụ Hè Thu gieo sạ 10/5-5/6.
- Mật độ cấy: 45-50 khóm/m2, cấy 2- 3 dảnh/khóm, cấy nông tay.
- Sạ giống: Tại các tỉnh miền Bắc 40 - 45 kg/ha; các tỉnh miền Trung 80-100 kg/ha.
- Phân bón: Để đạt năng suất cao cần bón phân bón cân đối, bón tập trung, bón sớm và khuyến cáo bón phân tổng hợp NPK bón lót và bón thúc. Lượng bón tùy theo loại đất, trên chân đất trung bình bón:
* Đối với phân tổng hợp NPK Lâm Thao:
- Bón lót (trước khi bừa cấy): Bón 7 – 8 tấn phân hữu cơ (hoặc 1200 – 1500 kg phân vi sinh) + 560-700 kg/ha phân NPK (5:10:3).
- Bón thúc (khi lúa bén rễ hồi xanh): Bón 220-250 kg/ha phân NPK (12:5:10) + 30 kg phân đạm urê, kết hợp làm cỏ sục bùn;
-Bón thúc (khi lúa đứng cái): Bón 200 kg/ha phân NPK (12:5:10).
* Đối với phân đơn:
- Lượng bón cho 1 ha: 7 - 8 tấn phân hữu cơ (hoặc 1200 – 1500 kg phân vi sinh) + 180-200 kg đạm Urê + 450- 500 kg Super lân + 120-140 kg Kaliclorua. Vụ Mùa, Hè Thu giảm 10% lượng đạm, tăng 15% kali so với vụ Xuân.
-Bón lót (trước khi bừa cấy) toàn bộ phân hữu cơ hoặc phân vi sinh, phân lân + 40% phân đạm + 20% phân kali
- Bón thúc lần 1 (khi lúa bén rễ hồi xanh): 50% phân đạm + 30% phân Kali
- Bón thúc lần 2 (khi lúa đứng cái) bón lượng phân còn lại.
- Chăm sóc: Giữ đủ nước, tỉa dặm kịp thời, bón thúc sớm cho lúa đẻ sớm, đẻ tập trung, phát triển cân đối, có nhiều bông hữu hiệu, hạn chế sâu bệnh.
- Phòng trừ sâu bệnh: Thường xuyên kiểm tra các loại sâu bệnh, phát hiện sớm và phòng trừ kịp thời theo hướng dẫn của cơ quan Bảo vệ thực vật địa phương.
- Thu hoạch: Gặt lúa vừa độ chín, phơi nắng nhẹ, không phơi quá mỏng, để đảm bảo chất lượng của giống.
* Lưu ý:
- Thời vụ gieo cấy tùy theo lịch thời vụ của mỗi địa phương.
- Là giống ngắn ngày nên cấy mạ non và bón phân sớm, tập trung. Tuyệt đối không được bón phân đạm lai nhai.
- Nếu sử dụng phân tổng hợp NPK khác, bón theo hướng dẫn trên bao bì.