Tin vinaseed
Bình Định: Giống lúa lai TH3-4 bước đột phá nội lực
14/09/2011
Tại cánh đồng Gò Sạ Cao thuộc thôn Nhơn Thuận xã Tây Vinh, huyện Tây Sơn, giống lúa TH3 - 4 có nhiều ...
Đăng trên Báo Bình Định, ngày 05/9/2011
- Gieo trồng trong vụ thu năm 2011 với diện tích 2 ha tại cánh đồng Gò Sạ Cao thuộc thôn Nhơn Thuận xã Tây Vinh, huyện Tây Sơn, giống lúa TH3 - 4 có nhiều ưu điểm so với các giống lúa thuần chủ lực tại địa phương: đẻ nhánh khá khỏe và tập trung, kháng nhiều loại sâu bệnh như sâu cuốn lá, sâu đục thân, rầy nâu, bệnh khô vằn, đốm nâu, thối thân thối bẹ, cứng cây, chiều cao cây thấp, dạng hình gọn, ngắn ngày (thời gian sinh trưởng khoảng 95 ngày), chịu nóng, tỷ lệ lép thấp, hạt thon dài, chất lượng khá ngon, năng suất trên 70 tạ/ha. Đây là mô hình liên kết 4 nhà trong sản xuất giống cây trồng nói chung, giống lúa mới nói riêng. Với những đặc tính và ưu điểm có được, giống lúa TH3 - 4 có thể gieo trồng thích hợp trong cả 3 vụ: đông xuân - hè - vụ mùa, nhưng phù hợp hơn là trong vụ đông xuân và vụ thu trên những diện tích ruộng sản xuất 2 vụ lúa/năm. Với tiềm năng năng suất khá cao, ruộng đất có độ phì khá, sản xuất đúng qui trình kỹ thuật thì lúa lai TH3 - 4 có thể đạt sản lượng thóc 2 vụ trong năm từ 14-15 tấn/ha, góp thêm giải pháp quan trọng để chuyển từ sản xuất 3 vụ lúa/năm (vụ mùa bấp bênh) sang sản xuất 2 vụ lúa/năm hiệu quả hơn, bố trí sản xuất thích ứng dần với biến đổi khí hậu để sản xuất hiệu quả và bền vững.
- Mặt khác, vấn đề quan tâm hơn nữa ở đây là giống lúa lai TH3-4 là giống lúa lai 2 dòng do Công ty cổ phần giống cây trồng Trung ương sản xuất theo bản quyền công nghệ của Viện sinh học nông nghiệp thuộc Trường đại học nông nghiệp Hà Nội. Với lợi thế “sân nhà”, lúa lai TH3 - 4 có giá bán thóc giống thấp hơn các giống lúa lai nhập khẩu (giá thóc giống lúa lai TH3 - 4 hiện tại khoảng 58.000 đồng/kg), lượng giống gieo sạ tương đương các giống lúa lai khác, ngắn ngày, năng suất không thua kém các giống lúa lai khập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ, chất lượng khá tốt, sản xuất chủ động hơn. Đây thực sự là bước đột phá “ngoạn mục” của khoa học kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn và hội nhập Quốc tế.