Truyền thông
Trên đồng ngô Định Tường
01/04/2020
2h chiều. Mưa bụi lất phất rắc muôn triệu hạt ngọc li ti, tô điểm cho những cánh lá non xanh trên ngút mắt đồng ngô của xã Định Tường (huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa). Những người nông dân thôn Ngọc Sơn đã cần mẫn ngoài đồng từ lúc nào.
Xây dựng vùng nguyên liệu, chuyên sản xuất giống ngô.
Sát sao “3 giảm”
Lội giữa bùn nước lõng bõng ngập trên mắt cá chân, ông Trần Văn Chế và vợ là bà Nguyễn Thị Tuất cẩn thận săm soi từng vốc đất nhỏ dưới gốc ngô. Đám ngô non mới nhú cao vượt mặt đất chừng hơn gang tay, mỡ màng cứng cáp căng nhựa sống. Hàng nào lối nấy cứ tăm tắp, mơn mởn.
Đồng hành, sát cánh cùng những người nông dân, anh Nguyễn Tiến Thặng – công tác ở chi nhánh của Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed), trụ sở tại Yên Định – tâm sự: một trong những chủ trương của Vinaseed theo định hướng phát triển bền vững, là thực hiện “3 giảm”: Giảm lượng giống - Giảm thuốc trừ sâu - Giảm lượng phân bón. Các nhân viên kỹ thuật hướng dẫn bà con sát sao.
Như minh chứng cho lời anh Thặng, thêm một đoàn các cô, các chị trung tuổi từ thôn Ngọc Sơn rồng rắn đạp xe ra đồng, thồ theo lỉnh kỉnh thùng với gáo. Vừa múc thêm nước dưới mương hòa vào thùng để tưới cho ngô, chị Lê Thị Thoan vừa giải thích: “Đây là chúng tôi pha lẫn phân đạm với phân xanh phân chuồng đấy. Vẫn phải có đạm thì cây mới nhanh lớn, nhưng tỷ lệ ít thôi, như bên kỹ thuật họ hướng dẫn. Các anh ấy về suốt đấy, mà không về thì có loa phóng thanh của hợp tác xã nhắc hàng ngày, có muốn quên cũng chẳng được” – chị cười.
Sứ mệnh gắn bó với ruộng đồng
Theo ông Lê Chí Chức – Phó giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Định Tường – diện tích đất nông nghiệp của xã tương đối lớn. Bên cạnh việc thâm canh trồng cây lương thực, trên địa bàn xã Định Tường từ lâu đã hình thành vùng nguyên liệu, chuyên sản xuất giống ngô lúa, và Vinaseed là một trong những “đối tác truyền thống” với bề dày hợp tác đã gần 20 năm.
Thời gian gần đây, diện tích trồng ngô lúa làm lương thực có phần thu hẹp, một số ruộng đất bị bỏ hoang. Do tác động của chủ trương sáp nhập xã Định Tường vào thị trấn Quán Lào – huyện Yên Định – tiến trình đô thị hóa đã và đang thay đổi bộ mặt nông thôn. Khá đông nông dân, chủ yếu là thanh niên, đã rời bỏ ruộng vườn, trở thành công nhân làm thuê cho các công ty đang xuất hiện ngày càng nhiều tại địa phương.
Trong bối cảnh đó, một cơ chế phù hợp để “những người ở lại” có thu nhập ổn định từ đồng ruộng, không những giúp nông dân ổn định cuộc sống, mà còn góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia – một trong những chính sách quan trọng của Việt Nam .
Như lãnh đạo Vinaseed từng chia sẻ, mảng giống có biên lợi nhuận tốt hơn những ngành khác, đặc biệt là sản xuất kinh doanh gạo. Thế nhưng, dù lợi nhuận thấp hơn, tập đoàn vẫn xây dựng mô hình hoạt động theo chuỗi giá trị khép kín, để tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, giá trị cao hơn. Chủ trương này của Vinaseed, thực hiện theo sứ mệnh phát triển bền vững của Tập đoàn PAN, trong đó người nông dân sẽ trở thành chủ thể để tạo ra sản phẩm sạch, an toàn và nâng cao giá trị sản phẩm, từ đó tạo điều kiện để người nông dân ở những địa phương như Định Tường yên tâm canh tác, ổn định cuộc sống.
Giữ nụ cười trên môi nông dân
Hiện Định Tường có hơn 300 ha đất sản xuất, trong đó có khoảng 170 ha lúa và hoa màu, còn lại là đất trồng ngô giống. Bà con ở đây đang trồng vụ thứ hai giống ngô lai ngọt, tiếp sau vụ đầu được đánh giá là khá thành công, mới thu hoạch cuối năm ngoái. Vinaseed hiện nay cũng là công ty Việt Nam duy nhất làm chủ hoàn toàn công nghệ lai tạo giống ngô ngọt, không phải nhập khẩu giống như các đơn vị khác.
Trong khi chồng – ông Lê Chí Chánh – miệt mài tưới nốt những luống ngô cuối ruộng, bà Trần Thị Hiên vừa nhổ cỏ vừa lẩm nhẩm đếm từng cây. Bà cười hồn hậu: “Ngày nào tôi cũng đếm. Tiền cả đấy chú ạ. Công sức vợ chồng tôi bao ngày, thêm cây nào mọc lên là thêm tiền cây đó. Nông dân chúng tôi lo đủ thứ, từ thời tiết, sâu bệnh, nước tưới, phân gio… mà lo nhất là trồng được hạt ngô hạt thóc rồi không bán được, hay là giá rẻ như cho. Được công ty hợp đồng bao tiêu sản phẩm, coi như bớt được một nỗi lo lớn”.
Với lúa thuần, giá lúa giống thường cao hơn khoảng 25% - 30% so với lúa đại trà, còn đối với hạt lai thì cao hơn nhiều. Tỉnh cũng có chính sách khuyến khích và hỗ trợ cụ thể đối với việc phát triển các vùng làm giống mà được liên kết bao tiêu về công tác thủy lợi, trang thiết bị, kinh phí. Đổi lại khi làm giống, người nông dân phải có trình độ sản xuất cao hơn, công sức đầu tư chăm sóc lớn hơn. Tuy vậy, làm giống về cơ bản đã giúp người nông dân từng bước chuyển sang làm nông nghiệp ở trình độ cao, hiệu quả và ít rủi ro.
Chưa cần nghe bà Hiên kể, chỉ nhìn nét mặt rạng rỡ là biết vụ trước của nhà bà “không xoàng”. Như có nhà văn từng chiêm nghiệm, nụ cười của người nông dân thật đẹp khi họ ở trên đồng ruộng, và đẹp nhất lúc đón mùa vàng bội thu… Nhưng tất nhiên, để “giữ nụ cười trên môi nông dân”, chuyện chẳng hề đơn giản.
Anh Nguyễn Tiến Thặng nhớ lại, những ngày đầu, thuyết phục bà con chuyển đổi cây trồng và canh tác theo lối mới, thật khó. Tổ chức đào tạo miễn phí về quy trình sản xuất cho nông dân, không phải dễ mời được bà con tham dự. Phải kiên trì lắm, phải “đả thông” cho chính quyền đoàn thể ở cơ sở trước, rồi còn phải tổ chức làm mẫu, “cầm tay chỉ việc”, dần dà họ mới tin theo.
Giống như nhiều nơi vùng cao hẻo lánh, bộ đội Biên phòng phải làm thử một ruộng lúa nước cho đồng bào thấy năng suất cao hơn hẳn phát nương làm rẫy, các cán bộ kỹ thuật cũng phải chứng minh cho bà con bằng “người thật việc thật”. Những cam kết được chuyển thành hành động cụ thể, dần khiến nông dân hiểu rằng chỉ có làm theo những “yêu cầu khắt khe” khác hẳn lối canh tác truyền thống, thì sự ấm no mới được đảm bảo lâu dài. Và hơn thế, trong nhiều trường hợp, người nông dân không chỉ được coi như “nhân viên của công ty”, là chủ thể tạo ra sản phẩm chất lượng, mà còn tác động trở lại góp phần hoàn thiện hơn cho “quy trình khép kín”.
Chiều muộn, cơn mưa bụi hóa thành nặng hạt. Những người nông dân thôn Ngọc Sơn vẫn cắm cúi trên đồng ngô. Không khỏi ái ngại khi thấy toàn ông già bà cả lội bùn rẫy cỏ, người nào “trẻ” thì cũng đã trung niên. Nhưng cũng mừng vì bà con lao động hăng say vui vẻ lắm, nhiều người đi ra đồng trên những chiếc xe đạp điện mới toanh. Họ vừa chăm ngô vừa trông cháu, rất nhiều trẻ em đang nghỉ học tránh “cô rô na” cũng phải theo ông bà ra đồng, vì ở nhà không còn người lớn.
Bà Trần Thị Hiên vừa cười vừa chép miệng: “Thanh niên trong thôn rủ nhau vào công ty nhà máy hết cả. Chúng nó bảo làm công nhân có lương ngay, còn làm ngô làm lúa thì 4 – 5 tháng mới có tiền một lần, lại chưa biết bão lũ rủi ro thế nào… Nhưng với chúng tôi thì đồng ruộng vẫn là cái gốc. Vất vả mấy vẫn phải gắn bó với cày cuốc, nhìn cây nhìn cối mà vui. Sinh ra làm nông dân, sướng nhất là sống được với ruộng đồng chú ạ”.
Nói đoạn, bà lại bươn bả xách cuốc vào giữa những luống ngô đang vươn mình đón mưa xuân, sắc lá xanh ngời mênh mông hẹn một mùa no ấm…
Theo The PAN Group