Truyền thông
Người đưa giống lúa Thơm RVT về đất nước
02/12/2020
Giống lúa Thơm RVT nổi tiếng cơm thơm ngon gây “nghiện” cho bao người tiêu dùng trong nước nhiều năm qua, hiện đang được xuất khẩu đi khắp châu Âu, Mỹ, Pháp, Ustralia, Trung Quốc
Tri ân cố Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn, người đưa nhiều giống cây trồng, vật nuôi về cho nông dân, cho đất nước…
----------------------------------------
Việt Nam đang có nhiều giống lúa có phẩm chất gạo ngon hàng đầu thế giới. Ngoài các dòng ST đã được khẳng định: ST21, ST23, ST24 và ST25 trong đó ST 24 được giải nhì gạo ngon thế giới năm 2017 và ST25 gạo ngon nhất thế giới năm 2019, các giống lúa mới của Viện Nghiên cứu lúa ĐBSCL… cũng đang khẳng định được ưu thế về năng suất và phẩm chất gạo đặc biệt ngon.
Giống lúa Thơm RVT nổi tiếng cơm thơm ngon gây “nghiện” cho bao người tiêu dùng trong nước nhiều năm qua, hiện đang được xuất khẩu đi khắp châu Âu, Mỹ, Pháp, Ustralia, Trung Quốc.
Tác giả giống lúa RVT là Cố Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn, Chủ tịch Đại học Thành Tây. Từ RVT và các nguồn gen lúa thơm ông đưa về, đã làm nên một cuộc cách mạng lúa thơm cho Việt Nam ngày hôm nay.
Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn thăm cánh đồng lúa Thơm RVT tại Hậu Lộc - Thanh Hóa vụ mùa năm 2010. Ảnh: Vinaseed.
Theo ông Trần Xuân Định, nguyên Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt: Giống lúa RVT được Bộ NN-PTNT công nhận giống đặc cách năm 2011. Trước đó Việt Nam chưa có nhiều giống lúa chất lượng, chỉ thiên về năng suất. Giống chất lượng, phía Bắc có Bắc thơm 7 là giống lúa thơm được ưa chuộng và phổ thông nhất cho đến bây giờ. Phía Nam có một số giống cải tiến như Jamine 85, Nàng Hoa 9, OM4900…, nhưng chất lượng chỉ mức khá, không thể sánh được với các giống lúa thơm cao cấp hiện tại. Các giống mùa địa phương diện đặc sản như Nàng thơm Chợ Đào, Nàng hương hiện chỉ còn diện tích rất ít vì là những giống lúa cao cây, nhiễm sâu bệnh.
“Năm 2007, khi đó tôi là Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Thái Bình phụ trách Trung tâm Khảo nghiệm và Khuyến nông của tỉnh. Ở Thái Bình, Trung tâm Khuyến nông có thêm cụm từ khảo nghiệm đằng trước, vì Trung tâm này xa xưa vốn là Viện nghiên cứu nông nghiệp Thái Bình; các giống cây trồng mới đều được Trung tâm đánh giá bài bản và khoa học trước khi khuyến cáo ra sản xuất. Các dòng RVT đầu tiên được bác Tạn gửi về đây để cán bộ kỹ thuật theo dõi, thu thập số liệu. Ban đầu có vài kg, vừa khảo nghiệm trong ô nhỏ có nhắc lại vừa khảo nghiệm sản xuất khoảng hơn 1 sào Bắc bộ. Làm 2 vụ, thấy giống có kiểu hình đẹp, khá ngắn ngày, hạt gạo trong, dài và thon, nấu cơm ăn rất ngon. Vụ sau chúng tôi đưa ra thêm 3 điểm gồm trình diễn và khảo nghiệm sản xuất. Nhân một hội nghị đánh giá giống ở Thái Bình, tôi có trao đổi và giới thiệu với anh Đỗ Bá Vọng, Phó Tổng giám đốc Cty CP Giống cây trồng Trung ương về giống lúa mới của bác Tạn, chất lượng đỉnh cao. Giống còn được đưa vào Sóc Trăng và thử nghiệm ở một vài nơi khác”, ông Trần Xuân Định, nhớ lại.
Đồng lúa Thơm RVT tại Hậu Lộc - Thanh Hóa vụ mùa năm 2010. Ảnh: Vinaseed.
Thông tin về một giống lúa khá ngắn ngày dạng hình đẹp chống chịu sâu bệnh tốt lại có chất lượng cơm thơm ngon lập tức hấp dẫn bà Trần Kim Liên, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Cty CP Giống cây trồng Trung ương (nay là Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam, Vinaseed). Bà Liên lập tức liên hệ với tác giả là nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn, được ông vui vẻ nhận lời, dẫn đi xem.
“Ngoài Thái Bình thì chúng tôi vào tận Sóc Trăng, nơi anh Hồ Quang Cua, PGĐ Sở NN-PTNT tỉnh cũng đang thử nghiệm các dòng của giống lúa mới này. Lần đầu tiên về nông thôn miền Tây, qua những chiếc cầu khỉ tôi rất lúng túng, bị bác Tạn mắng là vào đây còn đi giày cao gót. Những kỷ niệm thật đáng nhớ và biết ơn tác giả giống lúa quý, người về sau này đã đồng ý cho công ty chúng tôi được sử dụng bản quyền”, bà Trần Kim Liên hồi tưởng.
Lần vào Sóc Trăng đó bà Trần Kim Liên được kỹ sư Hồ Quang Cua gửi mấy trăm kg các dòng giống lúa RVT. Sau đó Vinaseed kết hợp Đại học Thành Tây nhân và tiếp tục khảo nghiệm ở nhiều nơi, từ Tây Nguyên, Đồng bằng sông Hồng, miền núi phía Bắc…
Năm 2011, giống lúa RVT được Bộ NN-PTNT công nhận giống đặc cách (không qua sản xuất thử) ở các tỉnh phía Bắc và Tây Nguyên.
Tại ĐBSCL, dù giống lúa RVT mới chỉ được khảo nghiệm tự phát ban đầu nhưng nông dân vô cùng ưa chuộng vì năng suất khá cao, chất lượng ở top ngon nhất, lúa bán được giá, tính hiệu quả kinh tế của RVT hơn hẳn các giống trồng phổ biến khác.
Mô hình lúa - tôm. Vinaseed sẽ gắn thêm chỉ dẫn địa lý cho các vùng lúa RVT trong đó có sản phẩm gạo tươi Thơm RVT Lúa tôm. Ảnh: Vinaseed.
Theo tờ trình gửi Bộ trưởng Bộ NN-PTNT của Cục Trồng trọt năm 2016, giống lúa thơm RVT được nông dân mở rộng sản xuất tại 6 tỉnh: Bạc Liêu, Cà Mau, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Long An và Sóc Trăng với tổng diện tích gần 85.000ha; nhiều Sở NN-PTNT khu vực ĐBSCL có bản nhận xét, đề nghị Bộ NN-PTNT công nhận chính thức giống lúa RVT tại ĐBSCL. Cụ thể, về năng suất, trong vụ đông xuân tại 4 tỉnh Long An, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Đồng Tháp, giống lúa thơm RVT đạt trung bình 67,6 tạ/ha – 76,1 tạ/ha, vụ đông xuân ở Sóc Trăng vượt đối chứng OM 5451 là 0,7 tạ/ha. Về hiệu quả kinh tế, hơn giống lúa trồng phổ biến là OM4900 6 triệu đồng/ha.
Trong vụ hè thu tại 4 tỉnh Long An, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Đồng Tháp, giống lúa RVT đều cho năng suất trung bình trên dưới 70 tạ/ha, vụ hè thu tại Sóc Trăng vượt đối chứng Nàng Hoa 9 4,2 tạ/ha. Về chất lượng, là giống lúa được xếp vào nhóm đặc sản, có hàm lượng Amylose 17,35%, tỷ lệ gạo nguyên cao 60,6% và có mùi thơm.
Năm 2016, giống lúa Thơm RVT được Bộ NN-PTNT công nhận giống chính thức trên toàn quốc để từ đó phát triển ra sản xuất khoảng trên 400.000ha/năm và đang trên đà tăng nhanh.
Cố Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn, khi đương thời là người có công rất lớn trong việc đưa giống cây, con, các nguồn gen quý về Việt Nam, từ tre Bát Độ, măng tây xanh, bạch đàn chuyển gen, mía, dứa, khoai lang, mắc ca…; các giống gà Tam Hoàng, Lương Phượng, bồ câu Pháp, đà điểu…; thúc đẩy chương trình chăn nuôi thay máu đàn lợn, bò thịt, phát triển chương trình bò sữa.
Riêng giống lúa, trước RVT, ông Nguyễn Công Tạn còn đưa về nước các giống như VĐ10, VĐ20 với kiểu hình lý tưởng mà giới khoa học gọi là “new type plant” (kiểu hình mới), góc lá hẹp, nhất là lá đòng thẳng và úp mo, hiệu suất quang hợp cao, thấp và cứng cây… là những nguồn gen quý, nguồn vật liệu để các nhà chọn giống lai tạo và chọn ra các giống lúa thơm ngon của Việt Nam. “Ông đã góp công để đất nước có được những giống lúa thuộc diện ngon nhất thế giới như ST24, ST25”, ông Trần Xuân Định nói.
Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, Tập đoàn PAN và Vinaseed tham quan sản phẩm gạo Thơm RVT chế biến tại nhà máy hiện đại nhất của Vinaseed xây dựng tại Đồng Tháp. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Nhu cầu quá cao, năm 2020 gạo Thơm RVT trở nên khan hiếm, không đủ để xuất khẩu cũng như nhu cầu trong nước. Tại phía Nam, nhiều thời điểm giá lúa tươi RVT tại ruộng lên tới trên 7.000 đồng/kg, trở thành giống lúa có giá bán cao nhất.
“Giống lúa thơm ngon loại hạt dài phải có dạng thon, nhỏ, trong, cơm mềm có mùi thơm. RVT là loại gạo nấu cơm vừa thơm, vừa ngon, vừa dẻo, để nguội vẫn dẻo, nói cách khác là thơm ngon đến hạt cuối cùng. Và để đảm bảo cho chất lượng gạo luôn được tốt nhất, công ty chúng tôi liên tục phục tráng giống, giữ gen thơm, không để bị thoái hóa”, bà Trần Kim Liên, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vinaseed.
Theo bà Trần Kim Liên, Thơm RVT hiện là giống chiếm diện tích lớn nhất trong nhóm lúa thơm của Việt Nam, khối lượng xuất khẩu cũng lớn nhất đối với dòng gạo cao cấp. Đây cũng là giống (cùng với Đài thơm 8) có phổ thích nghi rộng lớn từ Bắc vào Nam.
Không chỉ phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước, gạo Thơm RVT đã được đưa đến nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Anh, Canada, Australia… và hiện Vinaseed không đủ hàng bán. Thơm RVT là giống có gạo thương hiệu xuất khẩu được với giá trên 1.000 USD/tấn, cao hơn gấp đôi so giá xuất khẩu gạo thường.
Do có phổ thích nghi rộng, Vinaseed đang muốn xây dựng vùng gạo đặc sản Thơm RVT ra khu vực phía Bắc như vùng lòng chảo Điện Biên, ven biển Nam Định, Hải Phòng, Hải Dương... Theo đó công ty sẽ gắn thêm chỉ dẫn địa lý cho các vùng trồng RVT như Thơm RVT Điện Biên, Thơm RVT Tây Nguyên, Thơm RVT Lúa tôm, Thơm RVT ruộng rươi… để khai thác được thế mạnh của từng khu vực đặc thù đối với giống gạo đặc sản.
“Giờ đây khi có nhiều người dân thưởng thức loại gạo ngon này chúng tôi vô cùng trân quý và biết ơn người có công đưa giống về cho đất nước, cố Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn”, bà Trần Kim Liên chia sẻ.
Dây chuyền chế biến gạo hiện đại của Vinaseed tại Đồng Tháp. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Tùng Đinh (Báo Nông nghiệp Việt Nam)
Tin liên quan
29/05/2018