Truyền thông
ĐHĐCĐ Vinaseed: Đổi tên công ty theo mô hình Tập đoàn, kế hoạch lãi ròng 217 tỷ đồng trong năm 2018
19/04/2018
Vinaseed định hướng gia tăng thị phần tại vùng đồng bằng Sông Cửu Long, tiếp tục đầu tư cho M&A và đầu tư áp dụng công nghệ cao vào hoạt động sản xuất.
Sáng ngày 19/04, CTCP Giống cây trồng Trung ương (HOSE: NSC, Vinaseed) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2018 thông qua kế hoạch kinh doanh và phương án đổi tên theo mô hình tập đoàn, cùng một số vấn đề khác.
Ảnh: ĐHĐCĐ thường niên của Vinaseed ngày 19/04
Năm 2018, Vinaseed đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận ròng của công ty mẹ lần lượt 1.625 tỷ đồng và 217 tỷ đồng, tăng trưởng 3-7% so với thực hiện năm trước.Năm 2017, các chỉ tiêu kinh doanh của Vinaseed đều vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, doanh thu 2017 đạt 1.512 tỷ đồng, tăng 14% so với năm trước, lợi nhuận sau thuế đạt gần 211 tỷ đồng, tăng trưởng 20% và vượt trên 8% chỉ tiêu đề ra.
Mặc dù diễn biến thời tiết năm trước rất khắc nghiệt trên cả nước, tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty, nhưng ban lãnh đạo vẫn tập trung ứng biến kịp thời để đạt được kết quả như trên.
Theo định hướng của ban lãnh đạo, Vinaseed sẽ trở thành tập đoàn cung cấp các giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững hàng đầu Việt Nam, phát triển mở rộng ngành hàng có hàm lượng khoa học công nghệ cao, đầu tư nghiên cứu phát triển theo chuỗi giá trị có thế mạnh trong đó có ngành rau quả, nông sản cao cấp.
CTCP Đầu tư và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao đã đi vào hoạt động từ đầu năm 2017 với vốn điều lệ 50 tỷ đồng do NSC sở hữu gần 100% vốn. Đây là doanh nghiệp kinh doanh sản xuất và chuyển giao công nghệ dưa lưới và rau quả nông sản cao cấp theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao, quy mô diện tịch 21,59 ha. Trong năm đầu tiên hoạt động, công ty đã ghi nhận sản lượng 130 tấn với doanh thu 5 tỷ đồng.
Năm 2017, Vinaseed tiếp tục triển khai hoạt động M&A nâng sở hữu tại SSC từ 61,7% lên gần 75%. Các đơn vị thành viên sau M&A đang bắt đầu có những kết quả chuyển biến tốt.
Với CTCP Giống cây trồng Miền Nam (HOSE: SSC), tiến trình tái cấu trúc đã mang lại kết quả tốt, SSC đã đổi mới toàn diện trong công tác quản trị, sản xuất kinh doanh, công tác phát triển sản phẩm, đặc biệt là công tác nghiên cứu. Số lượng sản phẩm khoa học công nghệ của SSC đã nâng lên 70%, giúp đơn vị được miễn giảm thuế thu nhập. Ngay trong vụ đầu tiên, SSC đã phát triển được trên 8.000 tấn giống mới, nâng thị phần tại ĐBSCL lên 4,5%.
Về hoạt động đầu tư, năm 2018, công ty dự kiến sẽ chi 220-240 tỷ đồng cho hoạt động M&A trong ngành, đầu tư 8 tỷ đồng dự án nhà máy chế biến và bảo quản tại Chi nhánh Thanh Hóa quy mô 2.000 m2 và 200-230 tỷ đồng cho dự án xây dựng Trung tâm công nghiệp chế biến giống và nông sản tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với công suất 30.000 tấn giống/năm và 100.000 tấn gạo/năm.
Bà Trần Kim Liên - Chủ tịch HĐQT Vinaseed cho biết, Vinaseed sẽ tiếp tục nâng sở hữu tại SSC trong 2018 và hiện công ty đã gửi đăng ký chào mua 25% vốn SSC.
Cổ đông cũng đã thông qua phương án phát hành trả cổ tức tỷ lệ 15% bằng cổ phiếu, để tăng vốn điều lệ từ 153 tỷ đồng lên gần 175,9 tỷ đồng, nguồn thực hiện được trích từ lợi nhuận để lại của doanh nghiệp.
Tái cấu trúc theo mô hình tập đoàn, đổi nhận diện thương hiệu
Tại đại hội, HĐQT đã được thông qua phương án tái cấu trúc công ty theo mô hình tập đoàn và thông qua thiết kế logo, bộ nhận diện thương hiệu mới.
Thiết kế mới logo của Vinaseed được lấy ý tưởng từ truyền thuyết Phùng Khắc Khoan mang giống ngô về Việt Nam và sự tích Mai An Tiêm. 9 hạt giống được xếp theo hình vuông, thể hiện biêu tượng cho Đất nguồn sống tự nhiên cho tất cả sản phẩm nông nghiệp. Bên cạnh đó biểu tượng còn mang ý nghĩa của chuỗi DNA công nghệ sinh học, giọt nước mưa và hình ảnh chiếc bánh chưng truyền thống.
Cùng với đó, Vinaseed cũng sẽ tại cấu trúc lại theo mô hình tập đoàn và đổi tên thành CTCP Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam.
Ảnh 2: Sơ đồ hoạt động của CTCP Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam
Từ năm 2017, công ty đã vạch ra kế hoạch chiến lược phát triển đến 2020 tầm nhìn 2025, Vinaseed phấn đấu đến năm 2021 chiếm 30% thị phần giống cây trồng cả nước trong đó trọng tâm vẫn là chi phối thị trường Đồng bằng sông Hồng (43%), từng bước chiếm lĩnh thị trường trung du miền núi phía Bắc (30-35%) và mở rộng thị phần tại khu vực Bắc Trung bộ và duyên hải miền trung, đồng bằng Sông Cửu Long và các thị trường khác. Bên cạnh đó, công ty cũng mở rộng tại khu vực Lào, Campuchia, Myanmar, Quảng Tây, Quảng Đông, Vân Nam Trung Quốc.Bà Trần Kim Liên, Chủ tịch HĐQT của Vinaseed cho biết, tiềm năng và triển vọng phát triển ở thị trường phía nam, ĐBSCL là rất lớn. Những năm trước, Vinaseed chỉ chiếm hơn 1,5% thị phần, nhưng ngay trong 2017 sau khi công ty phát hành loại giống lúa mới và kết hợp với SSC, đã nâng thị phần lên 5,5%. Chiến lược phát triển thị trường ĐBSCL sẽ xuyên suốt theo hoạt động của Vinaseed trong năm năm tới. Công ty đã liên tục nâng cấp cơ sở vật chất, phát triển các giống mới để dành thị trường.
Cùng với chiến lược mở rộng thị trường, ban lãnh đạo vẫn xác định mọi định hướng sẽ luôn lấy giống cây trồng là mảng cốt lõi đi đôi với kinh doanh nông sản công nghệ cao, tập trung vào chuỗi gạo và rau quả, chuyển giao công nghệ và các giải pháp canh tác bền vững với mục tiêu chi phối giống cây trồng Việt Nam.
Bà Liên nhận định rằng, các công ty muốn phát triển và chiếm lĩnh thị trường không thể làm quá nhiều thứ mà phải tập trung làm thứ mình giỏi nhất, có lợi thế nhất, đồng thời liên tục tìm kiếm sản phẩm, thị trường mới phù hợp với cốt lõi của doanh nghiệp.
“Trong một buổi hội chợ, tôi đã được thấy những bắp ngô ăn có vị dưa, có màu đỏ và nhiều màu sắc”, bà Liên chia sẻ, “các công ty đi đầu cần phải định hướng tiêu dùng và tự tạo ra các thị trường ngách mới trong lĩnh vực mà mình giỏi nhất”.
Theo chiến lược đã đề ra, Vinaseed đặt mục tiêu năm 2021 đạt tốc độ lợi nhuận sau thuế bình quân 20%/năm, tốc độ tăng trưởng thị phần, sản lượng, doanh thu sản phẩm bản quyền 16%/năm và giữ vững vị thế công ty giống cây trồng hàng đầu Việt Nam. Doanh thu năm 2021 phấn đấu gấp đôi hiện tại, đạt 3.000 tỷ và lợi nhuận trên 400 tỷ.
Tại đại hội, cổ đông cũng đã bầu bổ sung bà Vũ Thị Lan Anh giữ chức vụ thành viên Ban kiểm sát, thay thế cho ông Nguyễn Tuấn Anh đã có đơn từ nhiệm từ ngày 19/04.
Theo báo điện tử ndh.vn