Truyền thông
Chủ tịch Vinaseed: Ở mảng gạo, chúng tôi là tân binh có lối đi khác biệt.
20/10/2022
Chính vì có sự khác biệt và chuẩn hóa trong quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản và kinh doanh, Vinaseed xuất khẩu gạo khá ổn định, giá cao.
Vinaseed, Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam, “ông lớn” có quy mô và thị phần lớn nhất ngành giống cây trồng nội địa, đang có những bước chuyển mình sau 20 năm hoạt động.
Năm 2021, Vinaseed ghi nhận doanh thu cao nhất từ trước tới nay, gần 2.000 tỷ đồng, sản lượng giống cây trồng của công ty đạt 113.000 tấn, tăng trưởng 6,8% so với năm 2020 và chiếm 21% thị phần giống cây trồng Việt Nam.
Vinaseed đang sở hữu 3 trong 10 giống lúa phổ biến nhất Việt Nam. Trong đó, giống Đài Thơm 8, giống lúa thơm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, có khả năng thích nghi với điều kiện tự nhiên ở 62 tỉnh, thành của Việt Nam, chiếm 25% cơ cấu diện tích lúa.
Năm 2019, Vinaseed bất ngờ lấn sân sang mảng sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu gạo thương phẩm chất lượng cao với biên lợi nhuận thấp hơn nhiều so với mảng hiện tại.
Hãy cùng chúng tôi trò chuyện với bà Trần Kim Liên, Chủ tịch HĐQT Vinaseed để hiểu rõ hơn về định hướng mới này và điều gì hứa hẹn sẽ là điểm khác biệt của công ty trong mảng gạo, vốn cũng không ít những “tay chơi”.
PV: Rõ ràng kinh doanh giống là thế mạnh của Vinaseed, dư địa và biên lợi nhuận mảng này còn tốt hơn xuất khẩu gạo rất nhiều. Bà có thể chia sẻ động lực nào khiến doanh nghiệp muốn lấn sâu vào mảng gạo?
Bà Trần Kim Liên: Vinaseed đang làm giống với biên lợi nhuận khoảng 32 - 35% thì lấn sân sang làm gạo, biên lợi nhuận chỉ 7- 12%, thậm chí có doanh nghiệp lỗ vì gạo. Nhiều người nói chúng tôi kỳ lạ!
Nếu chỉ nghĩ về lợi nhuận, chúng tôi sẽ tập trung vào mảng giống cây trồng và sẽ không mở rộng quy mô kinh doanh sang làm gạo.
Tuy nhiên, Vinaseed thấy rằng chuỗi giá trị ngành lúa gạo đang bị chia cắt quá nhiều và nông dân - những người đồng hành cùng doanh nghiệp lại là đối tượng thiệt thòi nhất. Tôi rất xót xa khi thấy sau mỗi vụ lúa, nông dân trang trải công nợ xong, họ chẳng còn gì để mang về nhà cả.
Tôi cho rằng để khắc phục tình trạng này, chắc chắn nông nghiệp Việt Nam sẽ phải đổi mới phương thức tổ chức sản xuất theo hướng chuyên môn hóa, quy mô lớn ứng dụng cơ giới hóa nâng cao năng suất lao động nông nghiệp, thực hiện phân công lại lực lượng lao động trong nông nghiệp.
Một nền nông nghiệp có trách nhiệm và bền vững khi chúng ta xây dựng các chuỗi cung ứng từ đầu vào – cung cấp dịch vụ (vật tư, phân bón, bảo vệ thực vật, tài chính, bảo hiểm) - thu mua, chế biến sản phẩm - xây dựng thương hiệu. Và trong chuỗi đó, nông dân ở vị trí trung tâm.
Nền nông nghiệp Việt Nam phải cơ cấu lại, tổ chức theo hướng chuyên môn hóa, ứng dụng cơ giới trong sản xuất và kết nối chuỗi cung ứng đầu vào từ phân bón, vật tư, giống, bảo vệ thực vật đến dịch vụ tài chính và bao tiêu, đưa nông dân vào trung tâm của chuỗi cung ứng.
Thế giới đã làm như vậy từ lâu, còn Việt Nam vẫn đang bước từng bước rất nhỏ. Xuất phát từ động cơ này, chúng tôi muốn góp phần tạo ra hình mẫu về liên kết và tổ chức nông nghiệp đầu-cuối để minh bạch trong hệ thống truy xuất nguồn gốc, tạo ra sự khác biệt trong sản phẩm, cung cấp các giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững cho nông dân Việt Nam.
Có thể với mảng gạo, Vinaseed không thu được nhiều lợi nhuận nhưng chúng tôi thực hiện được mục tiêu phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội. Hầu hết, thu nhập của nông dân tham gia vào chuỗi giá trị của Vinaseed đều tăng 30%.
PV: Là “trùm” mảng giống nhưng lại là tân binh mảng gạo, đâu sẽ là lợi thế cạnh tranh của Vinaseed, thưa bà?
Bà Trần Kim Liên: Ở mảng gạo, chúng tôi sinh sau đẻ muộn nhưng chúng tôi có lối đi khác biệt. Trong khi nhiều doanh nghiệp chọn thị trường rộng, gạo thường để làm cho dễ thì chúng tôi lại chọn phân khúc cao cấp, gạo chất lượng, giá trị cao.
Hiện, Vinaseed đã hoàn thiện chuỗi cung ứng lúa gạo từ giống, sản xuất, sản phẩm cho đến thương hiệu gạo Việt Nam.
Ghi nhận ở Đồng bằng Sông Cửu Long, 60% nông dân, các tổ hợp tác vẫn tự nhân giống khiến gạo thơm không đủ các phẩm chất đáng có.
Quan điểm của chúng tôi là lúa thơm thì phải duy trì được gen thơm. Mà giống tốt, chuẩn chỉ có các công ty, hệ thống sản xuất giống mới có thể làm được.
Giống lúa thuần năng suất – chất lượng cao Đài Thơm 8 (Ảnh: Vinaseed).
Tuy nhiên, việc có giống tốt cũng mới chỉ là bước đầu. Chất lượng gạo còn phụ thuộc vào cách doanh nghiệp chọn các vùng sinh thái thích hợp, luân chuyển liên tục đối với các dòng lúa thơm, chất lượng cao, công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch…
Đối với Vinaseed, chúng tôi xây dựng thương hiệu gạo tươi chỉ tập trung sản xuất tại vùng bán đảo Cà Mau và Tây Nguyên, nơi có vùng lúa tôm và cao nguyên có tổng tích ôn lớn nên chất lượng gạo luôn được thị trường đánh giá cao và ổn định.
Trong quá trình sản xuất, chúng tôi đang ứng dụng phần mềm Farm record của Nhật Bản để lưu trữ nhật ký sản xuất và Agritech của Israel sử dụng công nghệ vệ tinh để theo dõi thời tiết, sâu bệnh, quản lý quá trình sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật…
Ngoài ra, chúng tôi cũng đầu tư vào công nghệ thu hoạch, chế biến và bảo quản. Gạo được xử lý bằng công nghệ hiện đại để loại bỏ tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Chúng tôi đóng gói và cung ứng gạo tươi theo thương hiệu riêng của Vinaseed vào chuỗi siêu thị và thị trường xuất khẩu, đặc biệt hạn sử dụng của sản phẩm chỉ ba tháng.
Nhà máy chế biến hạt giống và chế biến gạo của VINASEED tại Đồng Tháp (VINARICE), quy mô 30.000 tấn hạt giống và 100.000 tấn gạo/năm (Ảnh: Vinaseed).
Chính vì có sự khác biệt và chuẩn hóa trong quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản và kinh doanh, Vinaseed xuất khẩu gạo khá ổn định, giá cao. Sản phẩm Đài Thơm 8 của Vinaseed xuất đi có giá 700 – 1.000 USD/tấn, cao hơn nhiều so với mặt bằng chung 400 – 500 USD/tấn của thị trường.
Gạo tươi của Vinaseed đã chinh phục các thị trường khắt khe như Australia, Canada, châu Âu, Nhật...
Chúng tôi đi sau nhưng biên lợi nhuận rất tốt. Vinaseed mới bắt đầu vào gạo nhưng chưa khi nào chúng tôi lỗ cả. Và đặc biệt, nông dân tham gia vào chuỗi giá trị của chúng tôi được hưởng lợi nhiều.
PV: Hiện tại, tỷ lệ đóng góp của kênh xuất khẩu gạo trong tổng doanh thu khá khiêm tốn, Vinaseed có tính đẩy mạnh mảng này không? Nếu nâng thì tỷ lệ sẽ là bao nhiêu, thưa bà?
Bà Trần Kim Liên: Nghành cốt lõi của Vinaseed là nghiên cứu, chọn tạo, sản xuất và kinh doanh giống cây trồng. Trong chiến lược phát triển của chúng tôi, mảng nông sản chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 20%, tùy thuộc vào tình hình thị trường chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển thêm nếu có cơ hội.
Hiện nay, Vinaseed không tham gia vào bán gạo nhiều, chúng tôi chỉ tập trung vào phân khúc gạo chất lượng cao, gạo có thương hiệu ở cả kênh bán hàng truyền thống và hiện đại, siêu thị và xuất khẩu.
Năm 2022, Vinaseed kỳ vọng doanh thu mảng gạo sẽ đạt 400 – 500 tỷ đồng, chiếm khoảng 20% trong tổng doanh thu. Trong 5 năm tới, chúng tôi cũng chỉ giới định doanh thu mảng chiếm 20% cơ cấu doanh thu của tập đoàn.
Mục tiêu chính khi đến với mảng gạo của chúng tôi là tạo ra các mô hình kiểu mẫu về chuỗi giá trị, từ đó hợp tác cùng các doanh nghiệp, nông dân để chuyển giao, nhân rộng mô hình. Đồng thời, việc hợp tác này cũng hỗ trợ cho ngành kinh doanh chính của chúng tôi là giống.
PV: Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới nhưng thương hiệu của chúng ta vẫn mờ nhạt. Việc xuất khẩu gạo tươi theo thương hiệu riêng của Vinaseed có phải chiến lược của doanh nghiệp, thưa bà?
Bà Trần Kim Liên: Đúng vậy, đây chính là cách Vinaseed làm thương hiệu cho doanh nghiệp nói riêng và gạo Việt Nam nói chung.
Về việc xuất khẩu gạo tươi, chúng tôi muốn đem đến cho người tiêu dùng sản phẩm mang hương vị tự nhiên, chất lượng nhất. Xây dựng thương hiệu đòi hỏi phải có đầu tư cho truyền thông, markerting và hiện đại hóa cơ sở vật chất để có thể đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường.
Ở khu vực tháp Eiffel (Pháp), gạo VJ Pearl của Vinaseed xuất hiện trên những xe hàng, cột quảng cáo. Khi khách hàng nhìn thấy thương hiệu Vinaseed cũng là thấy thương hiệu gạo Việt Nam.
Còn việc lựa chọn bán hàng theo thương hiệu doanh nghiệp thay vì đóng bao trắng 50 kg. Tôi nghĩ mỗi doanh nghiệp có hướng đi riêng, bởi không phải thị trường nào cũng cần hàng đóng gói.
Mỗi năm Việt Nam xuất khẩu khoảng 6 -7,5 triệu tấn gạo nhưng chỉ có 0,5 – 1 triệu tấn là gạo đóng gói. Việc xuất khẩu gạo theo thương hiệu doanh nghiệp là một bước chuyển và Vinaseed hy vọng rằng mình sẽ là một trong những đơn vị tiên phong.
PV: Hai năm COVID-19 đã kết thúc và chúng ta bước sang trạng thái mới. Kế hoạch 5 năm tới của Vinaseed như thế nào, thưa bà?
Bà Trần Kim Liên: Dịch COVID-19 mang đến những khó khăn chưa từng có nhưng nhờ thích ứng tốt, chúng tôi vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng, quyền lợi nhà đầu tư được đảm bảo, năm 2021 Vinaseed chi cổ tức bằng tiền lên tới 70%.
Dịch bệnh đã cho chúng tôi thấy được nhiều vấn đề cần thay đổi. Vinaseed đã hoạch định chiến lược phát triển cho giai đoạn 2022 -2026.
Trong đó, mục tiêu tăng trưởng gấp đôi quy mô, tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 20%/năm. Thị phần của doanh nghiệp sẽ chiếm 25% của cả nước trên tất cả các lĩnh vực. Riêng mặt hàng ngô thực phẩm sẽ nâng lên khoảng 60% thị phần cả nước.
Ngoài ra, Vinaseed dự kiến sẽ đa dạng hóa ngành nghề, mở rộng thêm mảng kinh doanh rau và hoa, tham vọng nằm trong top 5 công ty rau lớn của Việt Nam.
Để thực hiện mục tiêu trên, Vinaseed dự kiến sẽ tái cấu trúc doanh nghiệp theo ba trụ cột chính.
Thứ nhất, đổi mới mô hình kinh doanh kết hợp các hình thức kinh doanh truyền thống với hiện đại, thương mại điện tử, B2C ,B2B, O2OF…
Thứ hai, chuyển đổi số trong toàn bộ hoạt động quản trị doanh nghiệp và kinh doanh. Mục tiêu đến năm 2026, Vinaseed chuyển đổi số toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh và trở thành đơn vị đầu tiên trong ngành giống cây trồng ứng dụng chuyển đổi số toàn diện.
Thứ ba, tiếp tục đầu tư cho R&D và hiện đại hóa cơ sở vật chất với số vốn dự kiến khoảng 500-700 tỷ đồng.
Mọi mục tiêu của Vinaseed đều đưa đến đích là tiếp tục duy trì vị trí dẫn đần trong ngành giống cây trồng và sở hữu, chuyển giao những mô hình phát triển nông nghiệp bền vững, tuần hoàn. Chúng tôi muốn hình thành những làng nghề khoa học công nghệ để nâng tầm nông sản Việt.
Nếu không bắt đầu từ thứ nhỏ nhặt thì sẽ không bao giờ làm được điều lớn lao. Vinaseed đang đóng góp cách làm, cách nghĩ, mô hình có thể nhân rộng. Chỉ cần làm đúng, nông sản Việt Nam sẽ rất có giá trị.
Xin chân thành cảm ơn bà!
Phỏng vấn: Phạm Mơ
Thiết kế: Alex Chu
Theo: Doanh nghiệp & Kinh doanh